Theo đồng chí Lê Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình: Năm 2018, Chi cục Hải quan Ninh Bình được giao dự toán thu ngân sách là 2.480 tỷ đồng, chi tiêu phấn đấu là 4.230 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề của hải quan Ninh Bình trong điều kiện nền kinh tế trong nước và địa phương tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với đó, các chính sách kìm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, siết chặt tín dụng khiến các mặt hàng có số thu lớn tại đơn vị không được làm thủ tục hải quan tại Ninh Bình.
Ngoài ra, theo lộ trình ưu đãi thuế quan, một số chính sách thuế mới có hiệu lực như chính sách thuế đối với mặt hàng linh kiện ôtô… là những tác động lớn đến nguồn thu NSNN của Hải quan Hà Nam Ninh, đặc biệt là nguồn thu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Hải quan Ninh Bình đã thường xuyên phối hợp với Cục Thuế; Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng thương mại thực hiện thu nộp kịp thời cho NSNN. Thực hiện tốt công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số, tính thuế, kiểm tra sau thông quan.
Theo dõi số liệu nợ thuế phát sinh hàng ngày ở cả 2 nhóm tài khoản chuyên thu và tạm thu; tích cực tuyên truyền, nhắc nhở doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn; đảm bảo thu hồi đầy đủ các khoản nợ thuế mới phát sinh, không để phát sinh nợ thuế quá hạn; cập nhật đầy đủ, chính xác các thông báo tiền chậm nộp vào chương trình kế toán thuế tập trung; phối hợp với cơ quan Thuế địa phương để cấn trừ nợ thuế với các khoản thuế GTGT được hoàn.
Với những giải pháp trên, tính đến ngày 18/9/2018 tổng thu ngân sách Nhà nước lĩnh vực Hải quan đã đạt 3.423 tỷ đồng, vượt 38% dự toán năm, đạt 81% chỉ tiêu phấn đấu năm 2018. Một số doanh nghiệp có số thu lớn tại Chi cục là: Nhà máy ô tô Thành Công, Công ty gỗ Tài Anh, Công ty Kính Hạ Long, Công ty TNHH Long Sơn, Công ty TNHH Vissai...
Đồng chí Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh nhấn mạnh: Chúng tôi luôn nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về Hải quan, chú trọng đến các công việc "nhạy cảm" như các khâu thực hiện thủ tục hải quan, thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, không để phát sinh các hiện tượng "vòi vĩnh", "chèn ép" doanh nghiệp.
Đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cập nhật kịp thời, đầy đủ và niêm yết công khai các TTHC tại địa điểm làm thủ tục hải quan tại các đơn vị thuộc Cục để cộng đồng doanh nghiệp và bên thứ ba nhanh chóng nắm bắt, thực hiện có hiệu quả các TTHC, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thực hiện TTHC. Lãnh đạo cục cũng nghiêm túc thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính nhằm nâng cao chất lượng việc giám sát thực hiện thủ tục hành chính. Chủ động trao đổi thông tin, phối hợp với cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trang bị hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý trong môi trường hiện đại.
Đến nay, 100% các đơn vị trong Cục thực hiện thủ tục hải quan điện tử (khai và nộp hồ sơ hải quan thông qua hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS), ứng dụng các phầm mềm quản lý thông tin, áp dụng quản lý rủi ro; triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với TTHC tại Cục và tất cả các Chi cục trực thuộc. Đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 719 hồ sơ được xử lý. Phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại, triển khai hệ thống nộp thuế điện tử 24/7, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu năm 2018 là 4.230 tỷ đồng, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã chỉ đạo Chi cục Hải quan Ninh Bình thực hiện tốt công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số, tính thuế, kiểm tra sau thông quan.
Chủ động gặp gỡ doanh nghiệp để nắm được nguồn hàng xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu và số thuế hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ nộp của doanh nghiệp, từ đó bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan, tính thuế và thu thuế kịp thời. Tăng cường công tác xử lý nợ thuế. Theo dõi số liệu nợ thuế phát sinh hàng ngày ở cả 2 nhóm tài khoản chuyên thu và tạm thu; tích cực tuyên truyền, nhắc nhở doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn; đảm bảo thu hồi đầy đủ các khoản nợ thuế mới phát sinh, không để phát sinh nợ thuế quá hạn; cập nhật đầy đủ, chính xác các thông báo tiền chậm nộp vào chương trình kế toán thuế tập trung.
Bài, ảnh; Nguyễn Thơm