Ngay từ khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Công thương Ninh Bình từng bước sắp xếp lại hệ thống tổ chức, hoạt động phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn được sắp xếp lại, từng bước thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng doanh thu, đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách Nhà nước, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Trong bối cảnh kinh tế trong nước có rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, ngành Công thương đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giúp các doanh nghiệp phát huy năng lực hiện có, tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ, quy trình quản lý, phương thức kinh doanh tiên tiến, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Minh chứng cụ thể là năm 2012, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ở mức tăng trưởng hợp lý, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14.133 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2011; chỉ số phát triển công nghiệp năm 2012 tăng 8,63% so với năm 2011. Riêng quý I/2013, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt gần 3.815,2 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước chỉ số IIP tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) giai đoạn 2011-2012 đạt 27,7%, cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra cho cả giai đoạn 2011-2015 (chỉ tiêu Đại hội đề ra cho cả giai đoạn là 16%). Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá là: sản phẩm may mặc, giày dép vải, xi măng và clanhke, kính nổi, cần gạt nước ô tô... Cùng với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỉnh đã quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến thương mại…, khuyến khích phát triển sản xuất. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp đang hoạt động đã thu hút 68 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó: Khu công nghiệp Gián Khẩu diện tích là 262 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; Khu công nghiệp Khánh Phú diện tích là 334 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; Khu công nghiệp Tam Điệp diện tích là 450 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 54%. Toàn tỉnh có 17 cụm công nghiệp, cụm làng nghề với tổng diện tích quy hoạch là 447,78 ha; trong đó có 9 CCN với diện tích là 227,78 ha được triển khai và đã thu hút 166 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 3.725 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 5.400 lao động. Hoạt động xuất khẩu hàng năm có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 449,3 triệu USD, tăng 66,4% so với năm trước và vượt chỉ tiêu 300 triệu USD mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra cho đến năm cuối nhiệm kỳ 2015. Quý I/2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 118,7 triệu USD, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng khá như: Quần áo các loại, nước dứa cô đặc, túi nhựa... Hoạt động thương mại trên địa bàn có bước chuyển biến tích cực, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2011; quý I/2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.708,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong giai đoạn 2011-2012, đã triển khai thực hiện 53 đề án khuyến công sử dụng ngân sách địa phương với số tiền 3.326 triệu đồng và 5 đề án khuyến công sử dụng ngân sách Trung ương với số tiền 2.810,2 triệu đồng. Các đề án tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề may, cói, bèo, bẹ chuối, thêu ren; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, tạo mẫu cho sản phẩm truyền thống; hỗ trợ phát triển làng nghề và các sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm phát triển công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch... Công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực Công thương có nhiều đổi mới. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch; ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, tạo việc làm, thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, ngành Công thương Ninh Bình đã được Trung ương, tỉnh ghi nhận và khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua.
Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới ngành Công thương Ninh Bình tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại theo định hướng phát triển công nghiệp- thương mại, du lịch của tỉnh. Khuyến khích thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sản phẩm mới có giá trị cao thuộc các lĩnh vực điện tử, điện lạnh, ôtô, cơ khí, bia, chế biến hàng hóa nông sản... nhằm duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp.Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống như: Chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ và từng bước khôi phục nghề gốm mỹ nghệ. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công để phát triển công nghiệp nông thôn, giúp các doanh nghiệp mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, quản lý môi trường công nghiệp. Triển khai thực hiện chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện kế hoạch hành động Quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013- 2015, từng bước thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất độc hại. Phát triển hệ thống phân phối theo hướng thu hút các dự án trung tâm thương mại, siêu thị ở các thành phố, thị xã; cải tạo, nâng cấp cửa hàng thương mại thành cửa hàng tiện ích. Đầu tư nâng cấp hệ thống chợ ở trung tâm huyện, thành phố, thị xã và hạ tầng chợ nông thôn để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng bước đưa chợ hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm hạn chế nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tuyên truyền sâu rộng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa; đồng thời phát huy vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước để ngành Công thương thực sự là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giúp các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm có lợi thế của tỉnh như lúa chất lượng cao, sản phẩm rau quả, thực phẩm, thủy sản..., góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng kim ngạch xuất khẩu hàng thực phẩm, nông sản và các mặt hàng tỉnh có lợi thế.
Phát huy truyền thống 62 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, công nhân- viên chức của Ngành Công thương Ninh Bình quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2013 và các năm tiếp theo.
Phạm Thị Hồng
TUV, Giám đốc Sở Công thương