Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp (CCN), tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn như: Nghị quyết số 07/NQ-BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh ban hành quyết định mở rộng CCN Gia Vân, CCN Mai Sơn; hướng dẫn UBND huyện Kim Sơn mở rộng CCN Đồng Hướng, UBND huyện Yên Mô thành lập CCN Yên Lâm; UBND thành phố Ninh Bình hoàn thiện hồ sơ mở rộng CCN Ninh Phong; UBND huyện Nho Quan về điều chỉnh quy hoạch CCN Xích Thổ... Trong năm 2017, Ninh Bình đã tăng cường công tác thu hút, kêu gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào CCN, Trung tâm phát triển CCN đã tổ chức cho 9 doanh nghiệp nước ngoài và 14 doanh nghiệp trong nước đi tìm hiểu, khảo sát đầu tư tại các CCN trên địa bàn tỉnh, đã thu hút được 6 dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN: Gia Vân, Văn Phong, Cầu Yên, Mai Sơn, Ninh Phong (trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 1.206,5 tỷ đồng, diện tích đã cho thuê 31,1 ha, dự kiến thu hút 4.675 lao động.
Ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Trung tâm đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch khuyến công, xúc tiến thương mại với 38 đề án khuyến công và 20 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hơn 6,545 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trên tập trung vào các nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức hội chợ thương mại trong và ngoài nước, tuyên truyền quảng bá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại... Qua đó đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình có phương án đảm bảo kế hoạch cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt việc rút ngắn thời gian tiếp cận điện theo Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công thương, tạo điều kiện rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp, cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn an toàn, tin cậy và linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong năm, Sở đã thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật cho 44 công trình điện theo đúng tiến độ và thời gian theo quy định.
Đặc biệt, Sở Công thương đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do FTA, thường xuyên cập nhật các cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM..); tình hình triển khai các Hiệp định thương mại thế hệ mới; những vấn đề cần lưu ý về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan lên trang Website của Sở Công thương nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các quy định của pháp luật và các thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ngành Công thương đã tuyên truyền, phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn và các tỉnh lân cận tận dụng lộ trình thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định FTA thế hệ mới thông qua việc xin cấp C/O ưu đãi. Trong năm 2017, tỉnh Ninh Bình đã có 3 doanh nghiệp tham gia Đoàn xúc tiến thương mại quốc gia tại Băng-la-đet và Xri-lan-ca, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh trái phép, chống buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2017, Chi cục kiểm tra trên 2.800 vụ việc, xử phạt 1.600 vụ vi phạm, tập trung vào các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, kinh doanh hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực giá, vi phạm về VSATTP,… với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Công thương còn đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong năm 2017, Sở đã ban hành quyết định kiện toàn và quy chế tổ chức, hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trực thuộc Sở. Rà soát các thủ tục hành chính, qua đó thực hiện đơn giản hóa 11 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở trong lĩnh vực dầu khí, lưu thông hàng hóa và an toàn thực phẩm. Thực hiện cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đối với các thủ tục hành chính có thời gian giải quyết từ 10 ngày trở lên. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến. Đến nay, Sở Công thương đang cung cấp 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 26 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí đi lại và minh bạch thủ tục hành chính.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo tinh thần tại Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, ngành Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các địa phương nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời có các biện pháp chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm