Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. 65 năm qua, mặc dù tổ chức của ngành có những thay đổi nhưng các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động ngành Công thương Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử; có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước…
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Công thương Việt Nam, ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 là ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam.
65 năm qua, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Công thương Ninh Bình từng bước sắp xếp lại hệ thống tổ chức, hoạt động phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước.
Các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn được sắp xếp lại, từng bước thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng doanh thu, đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách Nhà nước, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước có rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, ngành Công thương đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giúp các doanh nghiệp phát huy năng lực hiện có, tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ, quy trình quản lý, phương thức kinh doanh tiên tiến, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ở mức tăng trưởng hợp lý. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 33.150 tỷ đồng, tăng gấp hơn 150 lần so với năm 1992. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá là: chế biến rau quả, sản phẩm may mặc, giày dép vải, xi măng và clanhke...
Có được kết quả trên là do tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, xuất khẩu.
Hiện nay toàn tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp, 25 cụm công nghiệp; đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng 6 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, thu hút trên 15 nghìn lao động vào làm việc, đồng thời quan tâm ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến thương mại,… khuyến khích phát triển sản xuất.
Xuất khẩu ngày càng được mở rộng về quy mô và kim ngạch. Những năm gần đây, mặc dù chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu vẫn đạt mức cao. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 974 triệu đô la Mỹ, gấp gần 400 lần so với năm đầu mới tái lập tỉnh. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
Nhiều mặt hàng đã được mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu như: Dệt may, giày dép, chế biến rau quả xuất khẩu… Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhờ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, vừa mở ra thị trường mới, vừa khai thác tốt hơn thị trường đang có.
Trong công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, ngành cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nhiều đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả, đã hỗ trợ các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tham gia hội chợ trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển làng nghề và các sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm phát triển công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.
Thương mại nội địa đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng xã hội nên đã giữ cho thị trường khá ổn định. Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt trên 27.640 tỷ đồng, tăng gấp 150 lần so với năm 1992.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu được tổ chức thành hệ thống từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền, cửa hàng bán lẻ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trong toàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 157 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành Công thương đã có những đóng góp tích cực, nhất là về tiêu chí số 7 về chợ và tiêu chí số 4 về điện. Căn cứ vào tình hình thực tế, Ngành cũng đã có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương xây dựng chợ đạt tiêu chuẩn, góp phần đảm bảo giao thương hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình cũng đã hoàn thành việc tiếp nhận toàn bộ hệ thống lưới điện nông thôn và định hướng việc nâng cấp điện nông thôn phải theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thực hiện rà soát lại hệ thống lưới điện, đánh giá tổng thể tình trạng an toàn và chất lượng điện áp trong khu vực để từ đó có các phương án sửa chữa, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cung cấp điện theo quy định tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới.
Công ty đã tập trung huy động từ nhiều nguồn vốn như nguồn vốn tự có, vốn vay thương mại và vốn vay ưu đãi từ nước ngoài để thực hiện nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện; xây dựng hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu tới năm 2020 và làm tiền đề cho các năm tiếp sau, bảo đảm yêu cầu điện cho nông thôn mới..
Công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực công thương có nhiều đổi mới. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch; tham mưu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, tạo việc làm, thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…
Ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến làm các thủ tục; tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, từng bước tiêu chuẩn hóa theo ISO gắn với hiện đại hóa công sở,… giúp các đơn vị nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
Trong tình hình mới, trước yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Ngành Công thương Ninh Bình cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh các giải pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, vươn xa hơn thị trường quốc tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Phát huy những kết quả đã đạt được, để góp phần thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XXI, ngành Công thương chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020; chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển các lĩnh vực của ngành Công thương giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư toàn diện, có trọng điểm để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn nông thôn, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xuất khẩu, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và tổ chức tốt hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường…
Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị ở đô thị và hệ thống chợ nông thôn… Tăng cường công tác đào tạo, cập nhật kiến thức mới để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo yêu cầu phát triển và hội nhập; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người dân nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - thương mại.
Phạm Thị Hồng Giám đốc Sở Công thương