Trong đợt mưa lũ lần này, 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tại huyện Nho Quan, theo thống kê đến ngày 20/7, mưa lũ kéo dài trên địa bàn huyện Nho Quan đã làm thiệt hại khoảng 660 hộ dân thuộc các xã Lạc Vân, Gia Thủy, Gia Tường, Thượng Hòa, Đức Long bị ngập nước dưới 1m; 397,3h lúa, 49,4ha cây màu và 92,5 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập úng. Đường tránh đoạn cầu Lập Cập bị ngập sâu, các phương tiện không thể lưu thông. Đến 8h sáng ngày 20/7, mực nước tại Bến Đế đạt mức 3,85m.
Có mặt tại đê bao sông Na thuộc địa phận xã Gia Thủy sáng ngày 20/7, chúng tôi nhận thấy rất đông các lực lượng công an huyện đang khẩn trương cùng quân sự, chính quyền và nhân dân các xã dầm mình trong mưa lũ tham gia đắp đê chống tràn, gặp đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng công an huyện Nho Quan vừa tham gia chống lũ vừa nhanh chóng cho biết: Trước tình huống mưa to, mực nước dâng cao khiến đê bao sông Na thuộc địa phận xã Gia Thủy, Gia Lâm bị tràn khoảng 500m, đe dọa tính mạng và tài sản các hộ dân thuộc các xã vùng chậm lũ gồm Gia Thủy, Xích Thổ, Gia Lâm và 1 phần Đức Long, Lạc Vân.
Ngay từ 4h sáng nắm bắt được thông tin, Công an huyện Nho Quan đã khẩn trương huy động 80 cán bộ chiến sĩ cùng các phương tiện xuống địa bàn phối hợp với các lực lượng khác tổ chức đắp đê chống tràn; nhằm bảo vệ cho hàng trăm hộ dân, hơn 100 ha lúa, cây màu và 300 ha nuôi trồng thủy sản. Đồng chí Phó trưởng công an huyện cho biết thêm: Trong những ngày mưa lũ, từ ngày 15/7, Công an huyện đã yêu cầu cán bộ chiến sĩ trực 100% quân số và luôn bố trí lực lượng tại mỗi xã bám sát tại địa bàn; đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, từ 30 phút đến 1 giờ phải báo cáo thông tin 1 lần, trường hợp đột xuất phải báo cáo ngay để ứng trực kịp thời.
Đặc biệt, phân công lực lượng cảnh sát giao thông bố trí 2 chốt phối hợp với các lực lượng khác điều tiết, phân luồng, hướng dẫn giao thông tránh điểm ngập lụt 24/24h. Theo đó, chốt thứ nhất được lập ở ngã tư bến xe Nho Quan để hướng dẫn các xe đi lên Hòa Bình quay lại sang đường 479 đi Chi Nê (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Chốt thứ 2 ở ngay tại cầu Lập Cập để cấm các phương tiện đi qua khu vực ngập lụt, hướng dẫn các xe mô tô, xe máy đi theo đường làng để lên Hòa Bình.
Lực lượng công an điều tiết giao thông ở khu vực ảnh hưởng mưa lũ.
Bên cạnh đó, Công an huyện đã đưa các xuồng máy, ca nô, và các trang thiết bị khác đến các khu vực xung yếu của huyện chốt trực, sẵn sàng ứng phó mưa lũ. Ngoài ra, Công an huyện cũng phân công lực lượng tham gia đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn toàn huyện, không để tội phạm lợi dụng để hoạt động.
Đối với địa bàn huyện Gia Viễn, mưa lũ dâng cao làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn, trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất là đoạn đê Hoa Tiên và đê Lương thuộc xã Gia Hưng bị tràn với tổng chiều dài khoảng 500m, gây ngập úng khoảng 50 ha diện tích lúa của xã Gia Hưng; ngoài ra còn có 3 thôn bị cô lập hoàn toàn là Kênh Gà (xã Gia Thịnh), Thuận Phong và Đồng Tiến (xã Gia Tiến).
Để ứng phó với mưa lũ, khắc phục hậu quả của thiên tai, Công an huyện Gia Viễn đã huy động lực lượng trực chiến 100%, đêm ngày 19/7 đã huy động 30 cán bộ chiến sĩ tham gia cùng nhân dân đắp đê trống tràn tại 2 tuyến đê Hoa Tiên và đê Lương. Đồng thời phân công bố trí lực lượng thành lập các chốt thường xuyên đảm bảo ANTT, ATGT tại các bến đò ngang, bến phà Đồng Chưa, tràn Gia Lạc...đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn.
Sự nỗ lực của lực lượng công an các địa phương đã góp phần để tình hình ANTT trên địa bàn các huyện được đảm bảo, đến nay trên địa bàn các huyện chưa xảy ra vấn đề gì phức tạp về ANTT.
Đến thời điểm hiện nay, nước đang có biểu hiện rút dần, tuy nhiên mực nước trên các sông vẫn còn ở mức cao. Do vậy, Công an các huyện vẫn đang tiếp tục bám sát địa bàn, đảm bảo quân số, thường xuyên theo dõi dự báo khí tượng thủy văn, tăng cường lực lượng, sẵn sàng ứng trực, phối hợp với các lực lượng tại địa phương ngăn ngừa kịp thời khi có sự cố xảy ra theo các phương án phòng chống lũ lụt đã xây dựng.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam