Ngay sau khi Nghị quyết 21 được ban hành, BHXH tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 14 văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 21. Tiến hành giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các đơn vị, địa phương; các văn bản về quy định mức hỗ trợ đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia BHYT, tăng nhanh tỷ lệ dân số tham gia BHYT. Các sở, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền các cấp, người lao động, đơn vị sử dụng lao động triển khai thực hiện và phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, BHXH tỉnh tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21 tới tất cả các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức nhằm động viên, khích lệ các tập thể và cá nhân trong ngành hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2016, BHXH tỉnh đã tiến hành sơ kết phong trào thi đua, tiến hành đánh giá và đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua đặt ra.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tạo được sự chuyển biến cả về chất và lượng, nâng cao từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Chính sách BHXH, BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Đối với ngành BHXH, công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều nội dung đa dạng, phong phú về hình thức, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng nhanh, từ chỗ là tỉnh có kết quả về chỉ tiêu bao phủ BHYT thuộc tốp cuối trong 63 tỉnh, thành phố, trở thành đơn vị trong tốp khá, vượt chỉ tiêu được giao. Công tác giải quyết chế độ, chính sách về BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân luôn đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện nhanh gọn, chính xác. Công tác cải cách thủ tục hành chính có sự tiến bộ vượt bậc, mang lại sự hài lòng cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân…
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt được kết quả tích cực, góp phần cải thiện, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 31/12/2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 854.897 người; tăng 270.585 người, tương ứng với 46,3% so với năm 2012. Trong đó: Số người tham gia BHXH năm 2017 là 105.776 người, tăng 35.935 người so với thời điểm năm 2012, tương ứng tăng 51,4%; đạt 17,5% số người trong độ tuổi lao động (Tỷ lệ chung của cả nước là 25,35%). Số người tham gia BHYT năm 2017 là 852.375 người, tăng 269.060 người so với thời điểm năm 2012, tương ứng tăng 46,1%; đạt 88,61% so với dân số toàn tỉnh, vượt 9,81% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, vượt 3,15% so với chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra. Đưa Ninh Bình từ tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp, trở thành tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT cao trong cả nước (Bình quân cả nước hiện nay là 85,57%). Số người tham gia BHTN năm 2017 là 91.052 người, tăng 32.424 người so với thời điểm năm 2012, tương ứng tăng 55,3%; đạt 15,05% số người trong độ tuổi lao động.
Công tác thu BHXH, BHYT, BHTN tăng theo từng năm, luôn hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch thu được giao. Số thu trong toàn tỉnh năm 2017 là 2.019 tỷ đồng, đạt 104,79% kế hoạch, tăng 112,8% so với năm 2012. 5 năm qua, hằng năm số thu luôn tăng từ 9,26% đến 29,76%. 5 năm qua, Ngành BHXH đã kịp thời tiếp nhận và giải quyết 20.638 trường hợp hưởng BHXH một lần; 208.717 lượt người hưởng chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe); 7.444 trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; 14.845 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số tiền chi trả về các chế độ BHXH, BHTN qua 5 năm là 11.575,5 tỷ đồng; số tiền chi trả năm 2017 tăng 52,1% so với năm 2012. Hiện nay, bình quân một tháng chi trả 168 tỷ đồng cho trên 59 nghìn đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
Công tác chi trả; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT được BHXH tỉnh Ninh Bình tập trung chỉ đạo, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Kết quả, trong 5 năm qua, Ngành đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho 289.077 người với tổng số tiền trên 843 tỷ đồng; chi trả BHXH 1 lần cho 16.735 người với số tiền trên 216 tỷ đồng; chi trả BHTN cho 31.399 lượt người với số tiền trên 93 tỷ đồng; chi trả chế độ ốm đau, thai sản, DSPH sức khỏe cho 167.046 người với số tiền trên 618 tỷ đồng; điều chỉnh trợ cấp cho 181.002 người với số tiền trên 41 tỷ đồng.
Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Đến nay đã có 97.503 người lao động được cấp sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,7%; 100% người tham gia BHYT được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động, BHXH tỉnh đã báo cáo để UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các đơn vị sử dụng lao động triển khai thực hiện. Kết quả, tính đến ngày 31/8/2017, BHXH tỉnh đã bàn giao 38.452 sổ BHXH, đạt tỷ lệ 37,61%, phấn đấu hết năm 2017 đạt 80% trở lên.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, ngành BHXH và Y tế đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức khám, chữa bệnh và thực hiện chi trả quỹ khám, chữa bệnh BHYT cho người dân trên địa bàn. Theo đó, công tác giám định BHYT được tập trung cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng quản lý, tăng khả năng giám sát, kiểm soát, bám sát định hướng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT, góp phần nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan BHYT, của cơ sở khám, chữa bệnh. Cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã được triển khai và chính thức đi vào hoạt động từ 30/6/2016 - là mốc quan trọng của ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chính sách BHYT.
Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu với Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam, tuy nhiên việc gửi dữ liệu lên hệ thống mới đạt tỷ lệ khoảng 97% (tại thời điểm tháng 8/2017) do các cơ sở không cập nhật đúng dữ liệu theo quy định. Từ năm 2013 đến nay, ngành Y tế đã khám, chữa bệnh cho 7.099.860 lượt người, BHXH đã chi trả tổng số tiền quỹ BHYT là 3.180,5 tỷ đồng. Mặc dù vẫn còn tình trạng bội chi, tuy nhiên BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với Ngành Y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện nghiêm túc các quy trình về đón tiếp bệnh nhân, quy trình giám định, thẩm định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT... nhằm từng bước kiềm chế sự gia tăng bội chi quỹ.
Thời gian tới, với mục tiêu triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người dân trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết 21; đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tiến tới BHYT toàn dân, để mọi người dân đều bình đẳng trong việc được chăm sóc sức khỏe…, BHXH tỉnh Ninh Bình tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả với các sở, ban, ngành có liên quan trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020". Tăng cường mở rộng mạng lưới đại lý thu về đến các thôn, phố, xóm. Khắc phục tình trạng nợ đọng, hoàn thành kế hoạch thu hàng năm của BHXH Việt Nam.
Giám sát chặt chẽ các chi phí KCB, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, khắc phục tình trạng bội chi, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Tập trung cải cách hành chính, trong đó chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Lấy mục tiêu phục vụ là chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết các chế độ, chính sách... Quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có đủ trình độ chuyên môn, có đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới.
Trần Phi
Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình