Công ty TNHH thời trang Itas, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) là công ty chuyên may các loại quần áo thời trang, xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng không xuất đi được, nguồn nguyên liệu không nhập được về, Công ty lâm vào tình trạng khó khăn, giảm đến 70% doanh thu. Trước khó khăn đó, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đảm bảo việc làm, nguồn thu nhập để giữ chân người lao động, Công ty đã nhanh chóng chuyển đổi mặt hàng sản xuất, chuyển sang may khẩu trang xuất khẩu, để phù hợp với điều kiện thực tế.
Bà Đinh Thị Hồng Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thời trang Itas cho biết: Để chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng khác trong thời gian ngắn, lại trong thời điểm dịch bệnh không phải là chuyện dễ dàng. Công ty đã phải nhanh chóng, khẩn trương tìm đối tác phù hợp, đầu tư lắp đặt thêm một số thiết bị phù hợp, đủ các điều kiện đánh giá theo tiêu chuẩn và đặc biệt là đào tạo ngay cho lao động tại doanh nghiệp...
"Nhiều khó khăn, vất vả là vậy, nhưng mục tiêu vì việc làm cho lao động và "doanh nghiệp tự cứu mình trước khi chờ được cứu", chúng tôi đã hoàn thiện các tiêu chuẩn để đủ điều kiện xuất khẩu mặt hàng khẩu trang sang thị trường Mỹ, bước đầu ổn định sản xuất, dù doanh thu chưa có lãi. Mong muốn của doanh nghiệp hiện nay là được hỗ trợ một phần kinh phí trong việc đào tạo và đào tạo lại cho lao động khi chuyển sang sản xuất mặt hàng mới.
Cùng với đó, ngành BHXH và các ngành liên quan có văn bản cụ thể trong việc chỉ đạo thực hiện việc giãn, chậm hoặc nợ đóng các loại bảo hiểm, giảm hoặc miễn thuế..., giúp doanh nghiệp yên tâm, có định hướng mới và từng bước ổn định lại sản xuất, kinh doanh..." - bà Hồng Thịnh mong muốn.
Được biết, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty TNHH thời trang Itas đã nhanh chóng chuyển đổi mặt hàng sản xuất và duy trì việc làm cho hơn 1 nghìn công nhân tại 3 cơ sở trên địa bàn huyện Yên Mô, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình; đồng thời tạo việc làm thêm cho hơn 1 nghìn lao động tại các tổ sản xuất may nhỏ, gia công cho Công ty. Hiện Công ty đã ký kết đơn hàng đến hết tháng 6/2020, với 15 triệu sản phẩm khẩu trang.
Đến nay đã sản xuất và xuất khẩu được gần 1/3 đơn hàng, đảm bảo việc làm cho hơn 1 nghìn lao động, với mức lương bình quân 5,5-6 triệu đồng/người/tháng, tổng thu nhập hàng tháng của người lao động không giảm nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Đây là sự cố gắng vượt bậc của doanh nghiệp trong thời điểm tất cả các ngành, nghề, người lao động trong và ngoài nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Đồng chí Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn tỉnh đã có 577 đơn vị có lao động giảm, với tổng số lao động giảm khoảng 10 nghìn lao động. Trong đó, một số công ty giảm nhiều lao động như: Công ty TNHH Giầy Adora Việt Nam, giảm 3.057 lao động; Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam giảm 1.606 lao động; Công ty TNHH MCNEX VINA giảm 1.624 lao động… Số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN tính đến ngày 30/4/2020 là 849,2 tỷ đồng, đạt 27,6% kế hoạch.
Ninh Bình nằm trong 10 tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch thu thấp nhất toàn quốc. Số nợ là 195,7 tỷ đồng, bằng 19,6% số phải thu. Những doanh nghiệp bị tác động mạnh là những đơn vị trong lĩnh vực sản xuất giầy da, may mặc, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vận tải...
Trước thực tế trên, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, với nhiều hoạt động hỗ trợ như hỗ trợ doanh nghiệp dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động xác nhận việc tham gia BHXH của người lao động để được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.
Theo đó, ngay sau khi có Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, BHXH Việt Nam, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật BHXH. BHXH tỉnh Ninh Bình đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian qua, đã có trên 20 đơn vị gửi văn bản đến cơ quan BHXH đề nghị được giãn nợ BHXH do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các đơn vị đã được cơ quan BHXH trả lời, hướng dẫn đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Tất cả các đơn vị có xác nhận của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đều được cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trong thời gian 3 ngày.
Đến ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42, trong đó mở rộng thêm đối tượng đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngày 4/5/2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành văn bản số 1511 hướng dẫn việc thực hiện đối với các đơn vị thuộc đối tượng này.
Theo đó, các đơn vị đóng đủ BHXH đến hết tháng 1/2020 và bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm 50% lao động tham gia BHXH tại thời điểm có văn bản đề nghị so với số lao động tại thời điểm tháng 1 năm 2020 sẽ gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan BHXH nơi tham gia BHXH và được giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc.
Đối với tỉnh Ninh Bình, ngày 12/5/2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành văn bản số 629 về việc hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong đó có nội dung hướng dẫn các đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. BHXH tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các đơn vị theo quy định, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động xác nhận việc tham gia BHXH của người lao động để được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, BHXH tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thành phố kịp thời xác nhận khi đơn vị sử dụng lao động lập danh sách gửi đến, đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng quy định.
Đến nay, đã có gần 10 đơn vị lập danh sách gửi đến và đã được cơ quan BHXH xác nhận, với tổng số trên 1 nghìn lao động để hưởng trợ cấp. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH đã kịp thời xác nhận quá trình tham gia BHXH cho hàng trăm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ 1/4/2020 đến nay nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, để người lao động làm thủ tục nhận hỗ trợ tại địa phương...
Trong quá trình thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ngành BHXH tỉnh đang gặp một số khó khăn, như: Nhiều đơn vị gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch COVID- 19 nhưng đã cố gắng bố trí công việc, trả lương, giữ chân người lao động.
Vì thế khi đơn vị đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nhưng số lao động nghỉ việc hoặc số lao động dừng tham gia BHXH chưa đến 50% nên không giải quyết được. Cùng với đó, nhiều lao động chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/4/2020, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đơn vị còn nợ tiền BHXH nên không chốt được sổ BHXH.
Do vậy, khi người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp tại địa phương, nơi cư trú phải quay lại đơn vị hoặc tự đến cơ quan BHXH xin xác nhận thời gian tham gia BHXH, trong đó yêu cầu cơ quan BHXH phải giải quyết ngay, kịp nộp hồ sơ cho địa phương, do đó có thời điểm gây quá tải, khó khăn cho cơ quan BHXH...
Với trách nhiệm của mình, thời gian tới, BHXH tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện tốt các văn bản, chỉ đạo của các cấp, các ngành, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Ngành vừa tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp.
Mỹ Hạnh