Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Để thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam. Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính ngành Ngân hàng, trong đó tập trung cải thiện, minh bạch hệ thống thông tin tín dụng; đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp nhằm giảm chi phí, tăng cường đổi mới thủ tục giao dịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt là triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Trên cơ sở khả năng tài chính các chi nhánh ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Với những nỗ lực của hệ thống ngân hàng thương mại và các TCTD trên địa bàn, ước tính năm 2016, tổng dư nợ cho vay của các NHTM, ngân hàng HTX, Ngân hàng CSXH, Quỹ TDND đạt 52.672 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi suất cho vay dưới 7% chiếm 12,2%; lãi suất từ 7 - 9% chiếm 31,3%; lãi suất từ 9-11% chiếm 45,3%; lãi suất trên 11% chiếm 11,2%. Hầu hết dư nợ của các nhóm khách hàng là doanh nghiệp đều tăng như: Dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 490 tỷ đồng, tăng 45,8% so với đầu năm; chiếm 0,93%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.959 tỷ đồng, tăng 24,3% so với đầu năm, chiếm 20,8%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 41 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 0,07%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay phát triển du lịch ước đạt 799 tỷ đồng, tăng 15,62% so với đầu năm, chiếm 1,51%/tổng dư nợ của các chi nhánh NHTM, TCTD trên địa bàn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành Ngân hàng Ninh Bình đã tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và ký kết hỗ trợ vốn vay. Các NHTM tiếp tục tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án, dự án kinh doanh khả thi tham gia chương trình, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả hỗ trợ cho các doanh nghiệp về NHNN tỉnh. Năm 2016, toàn tỉnh có 155 doanh nghiệp (tăng 62 doanh nghiệp so với đầu năm) được ký kết hỗ trợ vay vốn với số tiền cam kết 2.595 tỷ đồng, tăng 380 tỷ đồng so với đầu năm; dư nợ đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 506 tỷ đồng so với đầu năm.
NHNN chi nhánh Ninh Bình cũng đã yêu cầu các chi nhánh NHTM chủ động tiếp cận các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và các doanh nghiệp ngoài chương trình nhưng có tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết với doanh nghiệp bình ổn thị trường, tập trung cho vay đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ tiêu dùng thiết yếu để cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi, áp dụng lãi suất và chính sách cho vay phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình, đảm bảo hiệu quả thiết thực; gắn chương trình bình ổn giá trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt kết quả cao nhất. Toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 4 khách hàng doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường với số tiền cam kết hỗ trợ là 65 tỷ đồng, tăng 30,35 tỷ đồng, dư nợ 55 tỷ đồng, tăng 26,93 tỷ đồng, lãi suất cho vay 7%/năm.
Ông Nguyễn Minh Khôi cho biết: Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Ninh Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các chi nhánh NHTM, TCTD triển khai có hiệu quả hoạt động Ngân hàng trên địa bàn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong đó, ngành Ngân hàng sẽ phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn giá, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh.
Đối với các chi nhánh NHTM và các TCTD trên địa bàn cần chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động Ngân hàng trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho NHNN và chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo chương trình thực sự phát huy hiệu quả.
Nguyễn Thơm