Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc Kể từ khi triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đầu tiên tại Ninh Bình, Ngân hàng CSXH tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, địa phương. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 40-CT/T.Ư của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và dành nguồn ngân sách tỉnh chuyển sang cho các chương trình tín dụng ưu đãi.
Trong năm 2016, tỉnh đã chuyển 1 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo; thành phố Ninh Bình chuyển 300 triệu đồng, huyện Hoa Lư chuyển 100 triệu đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện và thành phố. Nhờ đó, nguồn vốn cho các chương trình tín dụng ưu đãi năm 2016 đã được tăng cường.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, tổng nguồn vốn trên toàn tỉnh đến tháng 12-2016 đạt trên 1.920 tỷ đồng, tăng 120 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, nguồn vốn Trung ương phân bổ là trên 1.800 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương trên 16,6 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng so với năm 2015. Nguồn vốn trên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ngày 24-10-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/T.Ư về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, theo đó mỗi năm ngân sách các cấp trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo với mức quy định cụ thể: Cấp tỉnh tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm.
Đây là một định hướng lớn cho các cấp, các ngành nói chung và Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình nói riêng trong công tác tham mưu, tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo của tỉnh trong những năm tới.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, các chương trình tín dụng ưu đãi đã gắn kết và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách thông qua hoạt động của Ban đại diện các cấp và hoạt động ủy thác của các tổ chức Hội, đoàn thể như:
Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Các cấp hội đã thực hiện tốt các nội dung được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đồng thời thực hiện nghiêm túc quy trình nghiệp vụ từ khâu bình xét đối tượng vay vốn, không để các hộ đủ điều kiện vay vốn mà không được vay vốn NHCSXH và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Việc thành lập, kiện toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo được vay qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn từng bước được nâng lên, trong đó trên 91% số Tổ xếp loại tốt.
Hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ là cánh tay nối dài của Ngân hàng CSXH trong quá trình quản lý nguồn vốn mà còn góp phần hình thành các tổ chức tự quản, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tạo công bằng xã hội trong việc thực hiện chính sách cho vay hộ nghèo.
Trao "cần câu"
Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, từ nhiều năm nay, nguồn vốn vay ưu đãi do Ngân hàng CSXH thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ngân hàng CSXH không trao "con cá" mà đã trao "cần câu" để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Hàng năm, căn cứ vào quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm của Ngân hàng cấp trên, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn, kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng cho các huyện, thành phố theo hướng ưu tiên nguồn vốn cho những nơi vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cao và ưu tiên những xã về đích nông thôn mới của tỉnh.
Đồng thời chỉ đạo Ban đại diện Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố phân bổ nguồn vốn kịp thời về các xã, phường, thị trấn để triển khai cho vay tới các đối tượng thụ hưởng.
Công tác cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo thực hiện theo đúng đối tượng, chế độ, đúng quy trình nghiệp vụ. Doanh số cho vay năm 2016 đạt trên 592 tỷ đồng cho hơn 23.000 lượt hộ vay.
Tổng dư nợ đến ngày 31-12-2016 là trên 1.900 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các cấp hội, đoàn thể chiếm trên 99%. Nguồn vốn được Ngân hàng CSXH giải ngân kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng được hưởng từ chính sách tín dụng ưu đãi. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Do đó, các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ vốn sòng phẳng cả gốc lẫn lãi. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, giúp cho trên 4.000 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; đầu tư cho trên 3.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập tại các trường đại học, cao đẳng và học nghề; đầu tư cho vay để xây dựng trên 22.000 công trình vệ sinh và công trình nước sạch, góp phần cải thiện môi trường nông thôn thôn, nâng cao sức khỏe người dân…
Hồng Giang