Những năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, nhất là các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIX, XX và XXI.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương) với tổng dư nợ ban đầu trên 152 tỷ đồng.
Đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai thực hiện hơn 10 chương trình (Chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay thương nhân vùng khó khăn và cho vay hộ nghèo về nhà ở) với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 1.900 tỷ đồng.
Ngoài thực hiện 10 chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hiện nay Ngân hàng CSXH tỉnh còn triển khai tốt chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn và chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người nghèo làm quen và tiếp cận với hoạt động tài chính.
Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, Ngân hàng CSXH luôn bám sát thực tế, thực hiện tốt các chính sách mới của Chính phủ, giúp người nghèo giảm chi phí vốn trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Mạng lưới tín dụng Ngân hàng CSXH với hệ thống điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển mạnh, bao phủ tới tận thôn, bản. Đây được gọi là cánh tay nối dài của Ngân hàng CSXH nhằm tạo điều kiện cho vốn tín dụng của ngân hàng đến với các đối tượng một cách nhanh chóng, thuận tiện và đúng đối tượng, tiết giảm được thời gian và chi phí đi lại của nhân dân.
Từ đó hạn chế tối đa các tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách, tạo được lòng tin trong nhân dân. Cùng với đó, hoạt động ủy thác của Ngân hàng CSXH đã giúp cho các tổ chức chính trị-xã hội thu hút thêm các hội viên tham gia hoạt động làm cho tình làng nghĩa xóm càng gắn bó, an ninh chính trị được giữ vững.
Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi do Ngân hàng CSXH thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ngân hàng CSXH không trao "con cá" mà đã trao "cần câu" để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ nguồn vốn cho vay đã giúp cho các hộ gia đình nghèo và các đối tượng chính sách có vốn tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp - nông thôn, khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Sau 14 năm đi vào hoạt động, tổng doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH là hơn 4.790 tỷ đồng, cho trên 393 nghìn lượt hộ vay. Vốn vay được giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Nhờ nguồn vốn của các chương trình đã giúp cho trên 319 nghìn hộ cải thiện cuộc sống, chuyển biến về nhận thức và cách thức sản xuất, kinh doanh; trên 61 nghìn hộ thoát khỏi nghèo đói, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 10,38% xuống còn 5,8% (giai đoạn 2001-2005), từ 18,02% xuống còn 6,87% (giai đoạn 2006-2010), từ 12,4% xuống còn 3,92% (2011 - 2015); thu hút được trên 97 nghìn lao động tham gia sản xuất, kinh doanh; cho gần 90 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập tại các trường đại học, cao đẳng và học nghề; xây dựng hơn 1.300 nhà ở cho hộ nghèo, đầu tư cho vay để xây dựng trên 149 nghìn công trình phụ hợp vệ sinh và công trình nước sạch, góp phần cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao sức khỏe người dân…
Hồng Giang