Nhìn lại chặng đường 15 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, trong giai đoạn đầu, trụ sở giao dịch từ tỉnh đến huyện, thành phố đều phải thuê mượn nhà dân, máy móc, trang thiết bị đều không có, đội ngũ cán bộ chỉ có 10 người từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình chuyển sang.
Cùng một lúc vừa phải nhận bàn giao hàng trăm tỷ đồng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình, Kho bạc nhà nước tỉnh Ninh Bình, vừa phải tổ chức triển khai giải ngân kịp thời vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Song, được sự chỉ đạo và quan tâm của NHCSXH Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Ninh Bình, sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị, Chi nhánh NHCSXH tỉnh ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả, với khẩu hiệu: Tất cả vì hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã có một mạng lưới hoạt động bao gồm: Chi nhánh tỉnh và 7 phòng giao dịch ở 7 huyện, thành phố (thành phố Ninh Bình do NHCSXH tỉnh Ninh Bình đảm nhiệm), với trên 100 cán bộ, nhân viên, hầu hết đều có trình độ đại học, cao đẳng, được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn, tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ kể cả trước mắt cũng như lâu dài.
Từ NHCSXH tỉnh đến các huyện, thành phố đều đã có trụ sở khang trang, được trang bị khá đầy đủ các máy móc, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ trong hoạt động.
Đặc biệt, với phương châm thực hiện cho vay, thu nợ, thu tiết kiệm dân cư tại xã, thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn tại nhà, NHCSXH tỉnh đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch, với 145/145 điểm giao dịch tại UBND các xã, phường, thị trấn.
Đây là mô hình hoạt động đặc thù, sáng tạo riêng có của NHCSXH, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, giúp triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn NHCSXH ngoài được hưởng ưu đãi về lãi suất, còn được hưởng ưu đãi về phục vụ.
Về nguồn vốn, trong 15 năm qua, tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam, nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn huy động trên địa bàn, đặc biệt là huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, để có nguồn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến ngày 31/8/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Ninh Bình là 2.011 tỷ đồng, tăng 1.883 tỷ đồng và gấp 15,7 lần so với năm 2002 (là năm thành lập NHCSXH). Trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương 1.853 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 92,1% tổng nguồn vốn; vốn ngân sách tỉnh chuyển sang 23,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,2%; vốn huy động trên địa bàn 135 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,7%.
Cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng dần nguồn vốn ủy thác tại địa phương và vốn huy động trên địa bàn, giảm dần nguồn vốn cân đối từ Trung ương. Đặc biệt thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, để tạo thêm nguồn lực về vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, mỗi năm ngân sách các cấp trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo: Cấp tỉnh tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay tăng thêm 11 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt hơn 23 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh còn triển khai tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người nghèo làm quen và tiếp cận với hoạt động tài chính.
Về đầu tư tín dụng, khi thành lập Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình mới thực hiện 3 chương trình cho vay: cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với dư nợ nhận bàn giao từ các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Kho bạc Nhà nước với dư nợ là 152 tỷ đồng.
Đến nay đã và đang cho vay 10 chương trình, với tổng doanh số cho vay 15 năm là 5.183 tỷ đồng /409.216 lượt hộ được vay vốn; tổng doanh số thu nợ 15 năm là 3.329 tỷ đồng/374.819 lượt hộ vay vốn; đưa tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của Chi nhánh đến ngày 31/8/2017 là 2.004,9 tỷ đồng/95.406 hộ vay, tăng 1.877 tỷ đồng, gấp 15,8 lần so với khi mới thành lập.
Trong đó: dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo 264 tỷ đồng/7.387 hộ; dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo 499 tỷ đồng/14.759 hộ; dư nợ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo 192,9 tỷ đồng/4.677 hộ; dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm 71,9 tỷ đồng/2.514 hộ; dư nợ chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 265 tỷ đồng/10.614 hộ/11.722 học sinh, sinh viên; dư nợ chương trình cho vay xuất khẩu lao động 2,5 tỷ đồng/77 người; dư nợ chương trình cho vay vùng khó khăn 169 tỷ đồng/6.587 hộ; dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 518,9 tỷ đồng/47.388 hộ; dư nợ chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn 6 tỷ đồng/185 hộ; dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở 13,5 tỷ đồng/1.218 hộ.
Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện tối đa cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH tỉnh đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên).
Đến ngày 31/8/2017, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chính trị - xã hội là 1.996 tỷ đồng, chiếm 9,68% tổng dư nợ toàn tỉnh, trong đó: dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh 836,9 tỷ đồng/31.513 hộ; Hội Nông dân tỉnh 574 tỷ đồng/22.112 hộ; Hội Cựu chiến binh tỉnh 370,8 tỷ đồng/14.419 hộ; Đoàn Thanh niên tỉnh 214 tỷ đồng/8.262 hộ.
Với cơ chế phối hợp và ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội nói trên, đã đảm bảo được tính công khai, dân chủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với các đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời qua đó tăng cường và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội trong việc đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo có hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội.
Thông qua việc đầu tư vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, 15 năm qua đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, đồng thời giúp các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, cách thức làm ăn, làm cho hội viên gắn bó hơn với tổ chức hội.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, NHCSXH tỉnh luôn quan tâm đến củng cố nâng cao chất lượng tín dụng. Trong 15 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ quá hạn tồn đọng, đồng thời ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh trên địa bàn.
Đến ngày 31/8/2017, dư nợ quá hạn và nợ khoanh tại Chi nhánh là trên 7,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,36% tổng dư nợ, trong đó: Nợ quá hạn chiếm 0,34% tổng dư nợ, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được nâng lên đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và xã hội, góp phần thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
15 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi do NHCSXH thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp các địa phương trong tỉnh. NHCSXH không trao "con cá" mà đã trao "cần câu" để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho 61 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm cho gần 98 nghìn lao động, giúp cho 105.881 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng cải tạo trên 167 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 1.366 ngôi nhà cho hộ nghèo.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2001-2005 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 10,38% xuống còn 5,8%; giai đoạn 2006-2010 giảm từ 18,02% xuống còn 6,87%; giai đoạn 2011- 2015 giảm từ 12,4% xuống còn 3,92% và giảm còn 5,77% đến cuối năm 2016, đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần làm thay đổi cơ bản nhận thức từ việc cấp không, cho không, sang vay vốn có hoàn trả, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hàng năm từ 7%-10%; hoàn thành 100% kế hoạch nguồn vốn và dư nợ được giao; tỷ lệ nợ quá hạn phấn đấu duy trì ở mức dưới 0,3%/tổng dư nợ.
Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Ninh Bình tiếp tục tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của NHCSXH Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan (nhất là 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác), cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, viên chức, nhất định Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao n
Lã Thị Hồng Yến(Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Ninh Bình)