PV: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm địa bàn tỉnh? Đ/c Đỗ Văn Miền: Toàn tỉnh hiện có khoảng 15 ngàn con trâu, 30 ngàn con bò, 330 ngàn con lợn và trên 4 triệu con gia cầm. Nhìn chung, trong thời gian qua công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được ngành và các địa phương triển khai, thực hiện khá tốt: Không để xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là các loại bệnh nguy hiểm và ở những nơi có ổ bệnh cũ. Tuy nhiên, mới đây tại Nam Định, đơn vị giáp ranh đã xuất hiện dịch cúm A/H5N6, nguy cơ lây lan sang tỉnh ta là rất cao.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch cúm trên đàn gia cầm, sau khi Nam Định công bố dịch, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh thành lập một chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu cầu Non Nước nhằm ngăn chặn, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ Nam Định sang; tiến hành tiêu độc, khử trùng các phương tiện giao thông đi từ vùng dịch vào địa bàn.
Bên cạnh đó, các chốt kiểm dịch lưu động cũng đã được thành lập nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy kiểm dịch.
Sở cũng thông báo cho tất cả các địa phương yêu cầu không vận chuyển, mua bán các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ Nam Định; chỉ đạo UBND cấp xã có biện pháp quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng; hướng dẫn, vận động người nuôi hạn chế tối đa việc chăn thả vịt trên các tuyến sông, kênh, rạch có cùng dòng nước đi qua liên huyện, liên tỉnh nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, dịch bệnh trên địa bàn, nhất là những nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ và khu vực giáp ranh với các tỉnh.
PV: Được biết mới đây ngành Nông nghiệp có Kế hoạch 1210 về việc thực hiện tháng tiêu tộc khử trùng, đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của kế hoạch này ?
Đ/c Đỗ Văn Miền: Chi cục thú y tỉnh đang tích cực chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương triển khai công tác tiêm vác xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trên đàn gia súc, chú ý đến các loại bệnh: Lở mồm, long móng; tụ huyết trùng, bênh tai xanh... Đàn gia cầm, chú ý đến các loại bệnh cúm, dich tả... Cùng với đó là việc triển khai đồng loạt đợt hành động tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi với dự kiến kéo dài trong 1 tháng (từ 23-11-2015-23-12-2015).
Do thời tiết khí hậu đang chuyển mùa, mưa nắng thất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh cho gia súc, gia cầm phát sinh phát triển; hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng sống nói chung và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng luôn lấy phòng ngừa là biện pháp chủ đạo và việc thực hiện tiêu độc khử trùng là một biện pháp hữu hiệu, thích hợp của ngành chăn nuôi tỉnh nhà nhằm làm sạch môi trường chăn nuôi, tiêu diệt mầm bệnh có trong môi trường, chủ động ngăn chặn sự lây lan, phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm.
Để kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa chính quyền địa phương với cơ quan chuyên môn trong công tác triển khai, phát động nhân dân; người chăn nuôi tập trung; người vận chuyển giết mổ, buôn bán động vật và sản phẩm động vật để thực hiện.
PV: Đồng chí cho biết những nội dung chính của đợt tiêu độc khử trùng lần này?
Đ/c Đỗ Văn Miền: Đối với các trang trại và cơ sở chăn nuôi tập trung thực hiện khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, làm sạch khu vực xung quanh chuồng trại, quét dọn thu gom chất bài thải trong chăn nuôi, chất độn chuồng và xử lý theo quy định. Sử dụng vôi bột, các loại hóa chất sát trùng (Nevet-Iodine, Hand-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine, Virkon...) xử lý toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, khu vực xử lý chất thải và vùng phụ cận xung quanh với liều lượng mỗi tuần một lần. Vệ sinh, khử trùng thường xuyên các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển và cả con người ra vào trang trại chăn nuôi.
Đối với các gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ, quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt, chăn thả gia súc, gia cầm; thu gom phân, chất thải, chất độn xử lý đốt hoặc chôn ủ yếm khí, hoặc đưa vào hầm Bioga; sử dụng vôi bột hoặc hóa chất vệ sinh, sát trùng các khu vực trên mỗi tuần 1 lần. Với cơ sở ấp nở gia cầm khơi thông hệ thống cống rãnh, làm sạch khu vực lò ấp, đường ra vào, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy; sử dụng hóa chất sát trùng toàn bộ cơ sở ấp nở, đường ra vào, phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới nở. ở cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có khu nhốt riêng gia súc, gia cầm chờ giết mổ và khi đã đưa vào giết mổ phải vệ sinh, khử trùng toàn bộ khu vực này; các phượng tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm của gia súc, gia cầm phải được vệ sinh, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ; hàng ngày trước thời điểm giết mổ và sau khi giết mổ đều phải được vệ sinh sạch sẽ và sát trùng bằng hóa chất; khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh.
Đối với các chợ và khu tập kết gia súc, gia cầm, phân tách thành khu bán riêng, bố trí các hố khử trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại các lối ra vào khu vực buôn bán, tập kết gia súc, gia cầm; các quầy bán hàng phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc sát trùng cuối mỗi buổi chợ; hàng ngày dọn vệ sinh và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt; vệ sinh phương tiện cơ giới sạch sẽ, sử dụng hóa chất khử trùng các phương tiện vận chuyển và dụng cụ kèm theo. Các khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm vận động nhân dân thường xuyên quét dọn thu gom rác thải và đưa đi xử lý; sử dụng hóa chất sát trùng khu vực này mỗi tuần một lần.
PV: Xin đồng chí cho biết việc tổ chức, triển khai, thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng?
Đ/C Đỗ văn Miền: Về kinh phí thực hiện, các địa phương tự cân đối nguồn; các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại chăn nuôi, cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tự túc kinh phí thực hiện tiêu độc khử trùng dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Sở giao cho Chi cục Thú y tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện.
Duy trì hoạt động của đội kiểm tra lưu động phối hợp với các ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra và giám sát dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Kinh tế, UBND các xã, phường thị trấn phối hợp chặt chẽ với Chi cục thú ý, trạm thú y để thực hiện đợt tiêu độc khử trùng này. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho mọi người dân biết và hưởng ứng, tham gia.
P.V: Xin cám ơn đồng chí!
Đinh Chúc (Thực hiện)