Cùng chúng tôi đi trên con đường vào thôn rộng rãi, rải bê tông phẳng lỳ, ông Trịnh Việt Hồng, Trưởng thôn Trại Lạo phấn khởi cho biết, là thôn nằm ngoài đê nên Trại Lạo thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa lũ. Những năm trước đây, khi con đường dẫn vào nhà của hơn một trăm hộ dân này chỉ rộng chừng 2m, đường đất, trũng, bởi vậy, khi ngập lụt thì những hộ dân trong xóm gần như bị cách ly hoàn toàn. Gia đình cụ nằm sát con đường này, vì vậy từ năm 2014, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động, cụ đã tình nguyện hiến hơn 100m đất, chặt bỏ hàng chục cây mít đang kỳ thu hoạch để nâng cấp con đường. Không những gương mẫu, đi đầu, tình nguyện thuê máy về chặt bỏ cây xanh, phá bỏ tường rào của gia đình, cụ Tuấn còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn đóng góp sức người, sức của để chung tay xây dựng đường và các công trình văn hóa của thôn. Với sự đồng lòng, góp sức của nhân dân trong thôn, con đường được mở rộng thêm 2m và được đổ bê tông phẳng lỳ. Đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10 vừa qua, nếu con đường này chưa được mở rộng thì địa phương sẽ rất khó khăn để tiếp tế thực phẩm cho hơn một trăm hộ trong ngõ. Giờ đây, con đường đã giúp giao thông thuận lợi, ngõ xóm thêm khang trang, sạch đẹp…
Chia sẻ với chúng tôi, cụ Tuấn cho biết, bà con trong thôn Trại Lạo còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, vì vậy những công trình văn hóa, những tuyến đường bê tông liên thông khang trang, sạch đẹp… luôn là ước ao từ bao đời nay của các thế hệ người dân Trại Lạo. Khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con trong thôn đều nhận thấy đây là cơ hội để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết, đồng lòng, chung sức để tạo nên diện mạo mới cho thôn xóm. Đối với gia đình tôi, tôi có 5 người con đều đã trưởng thành, có công việc ổn định. Vì vậy, mặc dù các con tôi đều công tác và ở xa quê hương, song tôi đã vận động con cháu tích cực đóng góp để cùng với bà con thôn Trại Lạo xây dựng diện mạo mới cho quê hương. Bên cạnh đó, để bà con hiểu được ý nghĩa của các công trình quan trọng, cụ Tuấn và Ban công tác Mặt trận thôn đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Vì vậy, nhân dân tích cực tham gia đóng góp tùy theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Thậm chí, những hộ dân khó khăn hơn không có điều kiện đóng góp kinh phí thì sẵn sàng đóng góp ngày công lao động để cùng tham gia làm đường giao thông và các công trình khác.
Đặc biệt, để có thêm nguồn lực xây dựng nhiều công trình khác, cụ Tuấn còn tích cực tuyên truyền, vận động con em ở xa quê hương, bà con trong làng, xóm tham gia đóng góp tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình. Đến nay, trên 300 hộ tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới được cụ Tuấn ghi chép cẩn thận trong một quyển sổ dày. Trong đó, riêng gia đình cụ Tuấn đã đóng góp trên 600 triệu đồng. Từ nguồn đóng góp đó, thôn đã sử dụng để xây dựng nhà văn hóa, cổng làng và nâng cấp con đường dài 300 m dẫn từ thôn ra xóm nhỏ ven sông là nơi sinh sống của trên 20 hộ đồng bào công giáo. Từ khi có nhà văn hóa thôn, mọi sinh hoạt cộng đồng đã được thôn tổ chức có nề nếp. Đặc biệt, khơi dậy được tinh thần yêu văn nghệ, thể thao của nhân dân trong thôn. Đến nay, thôn đã thành lập được một CLB văn nghệ, CLB thể thao của Hội phụ nữ, Hội nông dân, trong đó tập trung vào một số môn thế mạnh như bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, cầu lông… dành cho mọi lứa tuổi. Đến nay, mặc dù còn 12 hộ nghèo trong tổng số 180 hộ của thôn nhưng qua khảo sát cho thấy, 100% hộ nghèo đều là những hộ neo đơn, già cả. Người dân thôn Trại Lạo ngày càng phấn khởi thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Đào Hằng