Ở phố Tân Trung, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) hiện còn lưu giữ một chiếc giếng làng, người dân nơi đây quen gọi là giếng làng Chùa. Giếng nằm cách đường Xuân Thành khoảng 25 m, tức là chỉ sau một dãy phố. Tuy nhiên, khác với những gì náo nhiệt phía bên ngoài, không gian ở đây thật yên tĩnh và thanh bình. Trong tiết hanh heo, nắng vàng của chiều cuối năm, giếng làng hiện ra càng đẹp. Đứng lặng hồi lâu bên chiếc giếng, nhìn mặt nước gợn sóng lăn tăn bởi những chú nhện cao chân đang tung tăng đùa nghịch, tôi tự hỏi, không biết phía sau vẻ đẹp thanh bình này là bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu hồi ức của bao người, bao đời?
Đem suy nghĩ của mình trao đổi với bà Mai Thị Vượng, Bí thư Chi bộ phố Tân Trung, tôi được bà dẫn đến gặp ông Nguyễn Văn Cử, một người được coi là dân gốc ở xóm Chùa. Đang cắt tỉa cây cảnh, ông Cử dừng tay mời chúng tôi vào nhà uống nước. Khi nghe tôi nêu lý do của cuộc viếng thăm, đôi mắt ông bỗng xa xăm, nhấp chén nước chè, ông chậm rãi nói: Giếng làng có từ bao giờ, tôi cũng không rõ nữa, chỉ biết rằng khi còn bé tôi đã nghe ông nội kể một số câu chuyện liên quan đến chiếc giếng, theo câu chuyện ấy, xâu chuỗi lại có lẽ giếng phải có cách đây khoảng hơn hai trăm năm…
Ông kể tiếp, ngày còn bé, cũng như bao người dân xóm Chùa, ông thường xuyên ra giếng gánh nước về ăn. Nghe nói, khi đào giếng, các cụ xưa đã lấy đúng mạch nước từ sông cái vào nên nước giếng ở đây rất trong và mát, vị lại ngọt. Đặc biệt, vào mùa khô, nước ao hồ trong làng đều cạn nhưng nước giếng làng cứ múc lại đầy… Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Cử vẫn nhớ như in cái không khí vui vẻ, nhộn nhịp bên chiếc giếng làng vào dịp trước Tết Nguyên đán, nhà nhà đều ra giếng gánh nước đổ đầy chum, vại để dùng trong những ngày Tết. Việc ngâm gạo, nấu bánh chưng được thực hiện hoàn toàn bằng nước giếng làng. Trước thời khắc giao thừa, nhiều gia đình còn cử con, cháu ra giếng làng thắp 3 nén nhang xin trời đất phù hộ cho một năm mới an lành, ấm no, rồi múc một xô nước mang về nhà để lấy may.
Người xưa luôn quan niệm, giếng làng là tài sản của tập thể nên ai cũng phải có ý thức giữ gìn, vì vậy người ta ra giếng chỉ để gánh nước, còn mọi sinh hoạt khác như tắm giặt đều phải làm ở nhà. Giếng làng cũng có thể được coi là nơi sinh hoạt cộng đồng của những người dân quê, bởi mỗi lần đi gánh nước, họ lại có dịp gặp, chia sẻ tâm tư tình cảm, kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến làng xóm, họ hàng… Cũng từ đây, biết bao đôi trai gái đã biết nhau, thương nhau rồi nên vợ nên chồng. Trong những năm kháng chiến, giếng làng cũng là nơi để bà con cung cấp cho nhau những thông tin về tình hình sản xuất, chiến đấu, để rồi tin vui thắng trận nhanh chóng được truyền đi khắp làng trên, xóm dưới.
Khoảng gần hai chục năm nay, cùng với quá trình đô thị hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xóm Chùa cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã có nhiều thay đổi. Việc sử dụng nước giếng được thay thế bằng nước máy. Tuy nhiên, không vì thế mà những chiếc giếng làng bị lấp đi. Thời gian gần đây, nhiều phố, xóm trên địa bàn đã có sáng kiến vận động nhân dân trùng tu, tôn tạo lại giếng làng, trên cơ sở giữ nguyên hình dáng, kích thước cũ. Hầu hết các giếng rất rộng, đường kính khoảng chục mét, thành giếng được xây cao hơn 1 mét, xung quanh giếng đều được đổ bê tông, đảm bảo an toàn và yếu tố thẩm mỹ.
Giếng xóm Đông, phố 5, phường Đông Thành (T.p NB)Bà Mai thị Vượng, Bí thư Chi bộ phố Tân Trung cho chúng tôi biết thêm: Giếng làng Chùa là một trong 9 chiếc giếng thuộc địa phận thôn Phúc Am, xã Ninh Thành, huyện Hoa Lư trước đây, nay còn giữ được. Khi sáp nhập về thị xã Ninh Bình, thôn Phúc Am cũng được chia ra, nằm trên địa phận của 4 phường. Vừa qua nhân dân phố Tân Trung đã xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân đóng góp, tôn tạo lại giếng. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng công trình đã hoàn thành, nhân dân rất phấn khởi, nhất là các cụ cao tuổi. Tuy không phải là di tích được xếp hạng, song người dân nơi đây luôn coi giếng như di sản mà cha ông để lại, cần được giữ gìn, tôn tạo.
Tạm dừng câu chuyện với ông Nguyễn Văn Cử và bà Mai Thị Vượng, trên đường về tôi lại đi qua chiếc giếng làng Chùa, nhưng khác với lần trước, lần này sự băn khoăn trong tôi không còn nữa, tôi đã hiểu thêm nhiều điều xung quanh chiếc giếng làng. Đó không đơn giản là nơi cung cấp nước nuôi sống bao người, bao thế hệ, hơn thế, nó còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, lưu giữ những ký ức buồn, vui của những người dân bản địa, để rồi có đi xa, tuổi có nhiều lên theo năm tháng, cuộc sống dù có đủ đầy cũng sẽ không bao giờ quên được quá khứ , quên được quê hương, xứ sở với những hình ảnh quen thuộc như mái đình, cây đa, giếng nước... Và còn gì thú vị hơn khi giữa lòng thành phố, ta vẫn có thể bắt gặp những nét xưa qua hình ảnh chiếc giếng làng.
Hà Trang