Đồng bào dân tộc Mường thường cư trú tập trung và sống xen kẽ với dân tộc Kinh. Vì vậy, cộng đồng người Mường ở tỉnh ta ngoài những nét đặc trưng riêng về văn hóa, tập quán, lễ tục, sinh hoạt… xưa kia trong đời sống hàng ngày là "Cơm đồ - nhà gác - nước vác - lợn thui - ngày lui - tháng tới…" còn có sự giao thoa với văn hóa người Kinh rõ hơn so với người Mường ở những khu vực giáp ranh như Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng ở Hòa Bình; Mường Tang ở Thanh Hóa, nhất là nét đẹp văn hóa về dân ca.
Dân ca là một thể loại đặc sắc nhất của dòng chảy văn hóa dân tộc Mường, là kho tàng dân ca truyền thống của người Việt cổ bởi sự phong phú về giai điệu, hàm súc về nội dung biểu đạt và đa dạng về địa điểm, thời gian, không gian. Người Mường hát dân ca khi lao động sản xuất ngoài nương rẫy; hát ru và răn dạy con cái, người thân trong nhà; trong lễ hội truyền thống; khi gặp bạn bè; ở tiệc rượu; lúc tỏ tình nam, nữ… Người Mường sử dụng các làn điệu dân ca tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể để có nội dung phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đó. Trong đó nổi bật là các làn điệu dân ca: Hát Xắc bùa, Rằng thường, Bộ mẹng, Ví đúm…
Xắc bùa là hình thức hát dân ca phổ thông nhất, được "tổ chức" thành từng tốp năm, bảy người gọi là phường Bùa. Hát Xắc bùa thường xuất hiện vào dịp Tết, lễ hội, cưới xin, các cuộc vui… với lời hát chủ yếu là chúc mừng, ca ngợi như: "Hôm nay ngày lành, tháng thơm/Anh em tụ hội ăn cơm nhà mình/Là rất vui, ơi!" (Hôm nay ngày lèng, tháng thơm/ún eng cụn rụm ăn cơm nhà mềnh/Là vậy, eng ơi!).
Hát Rằng thường là thể loại dân ca được ca xướng trong các dịp vui như mừng nhà mới, được mùa, cưới xin, lễ, Tết. Hát Rằng thường có nội dung ca ngợi công việc làm ăn, cách ứng xử giao tiếp, răn dạy con cái, dặn người yêu, người thân như: "ở, ăn trên kính, dưới nhường/Mười phương, tám hướng cùng thương con à, con ơi!".
Hát Bộ mẹng là cách hát đối đáp bột phát trong tiệc rượu cần, trong hội hè, bên bếp lửa nhà sàn, cây đa, bến nước… Lối hát này thường dành cho những người có "máu mặt" trong đám đông với giai điệu trầm hùng, trữ tình như: "Đập bông bông/Đập bông bưởi/Đập hàng khọt".
Hát Ví đúm (hát Đúm) là hình thức hát giao duyên "Hẹn em vào dịp cuối năm/Ngày cùng, tháng tận anh thăm em à" (Hẹn ún bớ lại hết năm/Pền cùng kháng tận eng thăm đét khàng). Về hình thức giống như hát quan họ của người Kinh Bắc, hát ghẹo Vĩnh Phú, ví dặm của Nghệ Tĩnh, hát sli, lượn của người Tày, Nùng Việt Bắc. Hát Đúm với mục đích trao đổi tâm tư, tình cảm, chủ yếu dành cho những chàng trai, cô gái Mường, bởi đó là giai điệu của tình yêu, thường diễn ra vào ngày hội xuân khi hoa mận, hoa đào khoe sắc khắp các bản Mường vùng Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long…
Dân ca Mường mỗi thể loại đều có nhạc điệu riêng, nhưng cách hát thì lại tùy cảm hứng, tùy đối tượng để điều chỉnh tiết tấu, cung bậc cho phù hợp. Vì vậy, dân ca Mường rất thuận lợi cho việc đặt lời và thực tế lời trong dân ca vừa tự nhiên vừa giàu nhạc điệu. Ngoài những hình thức hát dân ca phổ biến trên của cộng đồng người Mường, người Mường Ninh Bình còn Đập hoa, hát Đố, hát Mo trong các tục lệ cúng lễ…, đặc biệt là hát Mỡi trong trò chơi dân gian "Đánh mảng".
Đánh mảng hoặc chơi mảng là trò chơi dân gian riêng có của người Mường vùng núi rừng Cúc Phương, có lẽ chỉ có rừng Cúc Phương mới có cây bàm bàm để người Mường vùng này phơi khô lấy hạt làm "cái" và "quân" trong trò chơi trên gắn với giai điệu hát Mỡi. Cồng, chiêng là loại nhạc cụ độc đáo, không thể thiếu trong bản sắc văn hóa Mường, đặc biệt là dùng đệm trong điệu dân ca Xắc bùa.
Phường Bùa thường tụ họp nơi trung tâm của bản, đánh cồng, chiêng với âm thanh rộn rã rồi lần lượt đi đến từng nhà trong bản. Hát xong ở sân, chuyển sang hát bài "gọi cửa", chủ nhà ra mở cửa và mời phường Bùa vào hát trong nhà… Ngoài hát dân ca kết hợp với bộ đệm cồng, chiêng, người Mường còn hát múa trong các dịp lễ, Tết, việc làng bản như múa bông, múa cồng chiêng, múa quạt cọ, múa trống đồng rất độc đáo.
Mặc dù cho đến nay, việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật, phổ biến vốn dân ca Mường còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu ai đã có dịp về dự Ngày hội văn hóa dân tộc Mường toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) vào trung tuần tháng 12/2007 vừa qua, mới thấy sức sống mãnh liệt của các làn điệu dân ca trong dòng chảy văn hóa dân tộc Mường nói chung và người Mường vùng Cúc Phương, Kỳ Phú… ở Ninh Bình nói riêng. Những làn điệu dân ca Mường đã góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trần Lâm Bình