Đa dạng lễ hội làng
Xã Yên Phong nổi tiếng với lễ hội làng Quảng Phúc, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 13/3 âm lịch hàng năm tại cụm di tích chùa, phủ làng Quảng Phúc (di tích lịch sử cấp Quốc gia). Lễ hội nhằm tưởng nhớ, tôn vinh tam vị Thánh Mẫu, tam vị Ngọ Đại Vương - 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, có công dẹp cướp biển ở cửa biển Thần Phù, dẹp cướp rừng ở vùng núi Tam Điệp, Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay và 2 vị phối thần của làng là Lê Triều Đinh tướng công và Lê Triều Huấn đạo quan. Cụ Nguyễn Văn Hãng, Trưởng ban di tích làng Quảng Phúc cho biết: Lễ hội làng Quảng Phúc (lễ hội Kỳ Phúc) được duy trì từ hàng nghìn năm nay, tất cả người dân của 9 thôn trong xã tập trung ở cụm di tích chùa, phủ làng Quảng Phúc tổ chức các nghi lễ truyền thống.
Lễ hội có 2 phần. Phần lễ đã duy trì và bảo tồn theo nghi thức truyền thống, đó là rước kiệu, rước sách, tế nam quan, nữ quan nhằm tưởng nhớ công ơn các vị thần đã có công với nước và các thành hoàng làng có công khai sinh ra làng và để cầu mưa thuận gió hòa, phúc thái dân an. Các hoạt động phần lễ đều được Ban tổ chức lễ hội đảm bảo ý nghĩa lịch sử, văn hóa, đồng thời phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Phần hội là những trò chơi dân gian đặc sắc mang tính thượng võ như đu quay, tổ tôm điếm, đập niêu, kéo co, bắt vịt, cờ tướng, hội kéo chữ, hội rồng, hội lân, kết hợp với các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT hiện đại để nhân dân vui chơi tự do, thoải mái. Mỗi mùa lễ hội làng Quảng Phúc thu hút hàng nghìn người dân trong xã và du khách theo dõi, tham gia.
Lễ hội Đền Năn (xã Yên Thắng) - di tích lịch sử cấp Quốc gia được duy trì từ lâu đời, tổ chức 2 năm/lần vào mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn lập làng của ông tổ họ Lưu Đắc làng Quảng Thượng và tưởng nhớ vị Thượng thượng thượng cao đẳng thần đã có công với quê hương. Nét đặc trưng của lễ hội là tục tiến kê (thi gà lễ gồm 1 con gà lễ trang trí đẹp bày trên mâm xôi), qua đó thể hiện tình cảm của các gia đình với tổ tiên. Lễ hội đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân 3 thôn Quảng Thượng, Cầu Cọ, Cầu Mễ. Sau các nghi lễ truyền thống là phần hội đặc sắc với trò đu quay, chọi gà, đánh cờ, kéo chữ.
Phát huy giá trị truyền thống
Theo thống kê, hàng năm huyện Yên Mô có 58 lễ hội được tổ chức. Là vùng đất được hình thành và có con người sinh sống từ lâu đời nên đời sống văn hóa tâm linh ở Yên Mô có nhiều nét đặc sắc. Các lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân chủ yếu gắn với di tích và các cơ sở tín ngưỡng nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao của các vị thánh thần, của các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Lễ hội do nhân dân tổ chức, theo định kỳ, tôn trọng những tục lệ dân gian, không bị chi phối bởi các yếu tố hiện đại.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động lễ hội, hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động lễ hội đảm bảo vừa tôn vinh được giá trị truyền thống, vừa thu hút được con em quê hương và du khách đến với lễ hội, từng bước đưa lễ hội đi vào nền nếp, quy củ hơn. Ban quản lý các di tích, Ban tổ chức lễ hội quan tâm hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, hạn chế đốt vàng mã, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính...
Khi tổ chức lễ hội, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng không bán vé vào dự lễ hội, các nghi lễ được diễn ra trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Việc trang trí các loại cờ hội, cờ lễ trong khu vực lễ hội đúng quy định; an ninh trật tự được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan. Nhận thức và hành động của người dân về thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại các di tích, lễ hội được nâng lên rõ rệt. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Bài, ảnh: Tiến Minh - Minh Quang