Từ xa xưa, các thế hệ trước của gia đình chị Đinh Thị Huê ở bản Sạng đã cấy giống lúa nếp cau với diện tích khá lớn. Nhưng những năm gần đây, diện tích bị thu hẹp. Năm ngoái, chị Huê chỉ cấy vài thước lúa nếp cau để lấy gạo làm bánh vào dịp Tết. Tuy nhiên, ở vụ mùa năm nay, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi gần 7 sào ruộng để mở rộng diện tích cấy giống lúa này.
Chị Huê cho biết: Việc mở rộng diện tích không chỉ góp phần gìn giữ đặc sản của quê hương mà còn cho giá trị kinh tế cao. Nguồn giống là do gia đình tôi chủ động để lại và thâm canh từ các vụ. Việc chăm sóc giống lúa nếp cau này cũng tương tự với các giống lúa thường nhưng phải kỹ càng hơn do sâu bệnh khá nhiều, đặc biệt là sâu đục thân.
Tuy vậy, do nếp cau mang lại hiệu quả kinh tế cao mà bà con nông dân nơi đây luôn nỗ lực để duy trì diện tích. Cùng với việc chất lượng lúa được khẳng định qua từng năm mà nhờ đó, giống lúa này đã trở thành một thương hiệu riêng của địa phương.
Nếp cau có đặc điểm là chỉ cấy được ở vụ mùa, thời gian sinh trưởng dài ngày. Năng suất lúa trung bình đạt 1,3-1,5 tạ/sào, sau khi trừ chi phí, bà con nông dân có thể thu lãi khoảng 2,5 triệu đồng/sào.
Bà Bùi Thị Huyên, bản Thường Xung cho biết: Năm nay, năng suất lúa nếp cau cao hơn năm ngoái. Lúa nếp cau cho giá trị kinh tế cao, giá bán lúa nếp cau thường dao động từ 170 - 180 nghìn đồng/yến. Đến vụ thu hoạch, các lái buôn đến thu mua nên việc tiêu thụ rất dễ dàng.
Vụ mùa này, bà con dân tộc Mường xã Kỳ Phú đã đưa vào gieo cấy trên 40 ha, diện tích lúa nếp được quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại bản Thường Sung, Bản Vóng và Bản Sạng. Với lợi thế đồng ruộng bằng phẳng, lại được hưởng mạch nước ngầm từ nguồn khoáng chất lượng cao tại vùng đệm rừng nguyên sinh Cúc Phương, những yếu tố trên đã tạo nên sự khác biệt về chất lượng gạo nơi đây.
Sau hơn 5 tháng trồng và chăm sóc, hiện nay nếp cau đang chín rộ và cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 40 tạ/ha. mặc dù sản lượng không cao nhưng giá trị kinh tế cao hơn so với các giống lúa nếp khác và gấp 3 lần so với lúa tẻ thường.
Kể về câu chuyện liên quan đến giống lúa nếp cau, ông Quách Văn Đức, Trưởng bản Thường Sung cho biết: Người dân nơi đây vẫn luôn giữ thói quen tự để giống lúa từ vụ này qua vụ khác, thế nên có thời điểm tưởng chừng đã mất giống. Khoảng chục năm về trước, thời tiết khắc nghiệt khiến sâu bệnh hoành hành, đặc biệt nguy hiểm là loại sâu đục thân.
Do không thể nhìn thấy bằng mắt thường, lịch thời vụ lại khác so với gieo cấy lúa thường nên nhiều hộ gia đình chủ quan không phun thuốc phòng trừ kịp thời, năng suất giảm rõ rệt, nhiều diện tích bị mất trắng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ đã phun đề phòng từ trước đó nên giữ lại được hơn trăm cân thóc giống.
Cũng từ đó, bà con nông dân đã cẩn thận và đề phòng hơn trong công tác chăm sóc lúa. Một khó khăn vẫn còn tồn tại trong sản xuất lúa nếp cau tại bản Thường Sung là việc chưa chủ động được nguồn nước cung ứng tưới tiêu.
Do khó khăn về nguồn vốn cũng như địa hình khá hiểm trở nên hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng nên việc gieo cấy lúa nếp cau phải phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Gặp năm thời tiết thuận lợi thì không sao, nhưng nếu thời tiết khắc nghiệt, năng suất cũng như chất lượng lúa sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, để phát triển lúa nếp trở thành cây trồng đặc sản mang thương hiệu địa phương, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, trong các vụ tiếp theo, chúng tôi vẫn tiếp tục vận động nhân mở rộng diện tích, tập trung chăm sóc lúa.
Mong rằng, các cấp chính quyền sẽ quan tâm, giúp đỡ đồng bào dân tộc chúng tôi thực hiện giấc mơ đem hạt gạo nếp cau Kỳ Phú vươn xa ra thị trường, trở thành thương hiệu cho vùng quê còn nhiều khó khăn này.
Nếp hạt cau không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của bà con dân tộc Mường Kỳ Phú. Để lưu giữ được giá trị truyền thống, cũng như xây dựng thương hiệu nếp cau, tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án bảo tồn và phát triển giống lúa nếp cau của xã Kỳ Phú. Hơn thế, kết hợp cùng với lợi thế về du lịch của tỉnh, việc bảo tồn và phát triển giống lúa nếp cau còn góp phần phát triển theo hướng du lịch sinh thái và du lịch ẩm thực.
Thái Học