Mới gần 40 tuổi nhưng anh Nguyễn Văn ích, xã Lạng Phong (huyện Nho Quan) đã phải cấp cứu vì đột quỵ. Chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh ích cho biết, trước đó anh ích không có bệnh tật gì, sức khỏe tốt, đi làm xây dựng theo các công trình. Gần tháng nay, anh phải cấp cứu và nhập viện điều trị, hơn chục ngày ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị.
Nguyên nhân được chẩn đoán là do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, anh lại làm việc ngoài trời trong thời gian quá lâu dẫn đến chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội và đột quỵ. Hiện anh ích vẫn phải điều trị tại khoa Đột quỵ, người chưa tỉnh hẳn, lơ mơ, đi lại chưa vững, có thể phải hàng tháng nữa mới phục hồi sức khỏe.
Bệnh nhân Nguyễn Trung Thành, 70 tuổi, ở xã Gia Lập (huyện Gia Viễn), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người bên trái, méo miệng. Sau khi được chụp cắt lớp vi tính sọ não, phát hiện nhồi máu não tối cấp, tắc mạch lớn.
Đây là ca bệnh nặng, khó, là một trong số ít ca bệnh được các bác sỹ khoa Đột quỵ phối hợp với khoa Chẩn đoán hình ảnh cứu bệnh nhân bằng phương pháp tiêu sợi huyết và lấy huyết khối (cục máu đông trong não) bằng dụng cụ cơ học - một tiến bộ kỹ thuật khó, đòi hỏi tay nghề cao. Các bác sĩ cho biết, rất may gia đình đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời ngay sau thời gian khởi phát khoảng 2 tiếng, nên cơ hội điều trị và tiên lượng phục hồi cho bệnh nhân cao hơn.
Thời gian qua, Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc chịu những đợt nắng nóng kéo dài, có những thời điểm nắng nóng cao đến đỉnh điểm với trên 40 độ C, vì thế số lượng bệnh nhân bị đột quỵ, viêm não, vỡ mạch máu não, tăng huyết áp... do ảnh hưởng của nắng nóng, nhất là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính tăng đáng kể.
Đáng buồn có những trường hợp người nhà phát hiện quá muộn cấp cứu không kịp dẫn đến tử vong hoặc người già sống một mình đột quỵ tử vong không phát hiện được. Như trường hợp một người cao tuổi tại xã Ninh Phúc, sau khi nấu cơm xong đã đi tắm, bị đột quỵ và tử vong trong nhà tắm, mấy ngày sau người thân mới phát hiện ra.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sơn, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ không phải do nắng nóng, nhưng nhiệt độ cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho những bệnh nhân tuổi cao, mắc các bệnh mãn tính, từ đó dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ, điển hình là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, bị béo phì... Với những người mang yếu tố nguy cơ này thì khi gặp điều kiện thời tiết bất thường như quá nắng nóng, quá lạnh dễ làm các yếu tố nguy cơ khởi phát và gây đột quỵ.
Đặc biệt, cần lưu ý là trong điều kiện thời tiết nóng bức, khó chịu sẽ gây căng thẳng, rất nhiều người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám,... dẫn đến tình trạng bất ổn, gây bệnh tăng lên. Đáng lo ngại hơn là hiện nay, đột quỵ không chỉ gặp ở người cao tuổi, mà nhiều người trẻ tuổi cũng đã bị...
Bác sỹ Nguyễn Thùy Anh Thư, khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ cao là nhóm người cao tuổi, trẻ em và người phải làm việc trong điều kiện ngoài trời, do môi trường, nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội... Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể, gối cao đầu, tạo thông thoáng đường thở, để khi bệnh nhân bị nôn, đờm dãi sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để dễ kiểm tra hô hấp… nhằm hỗ trợ bệnh nhân tối đa trước khi có sự can thiệp và điều trị của bác sĩ.
Theo các bác sĩ, để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh đột quỵ nói riêng, nhất là ở thời điểm nắng nóng, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý về cả lượng và chất, tập luyện thể dục hằng ngày, tránh ra đường trong thời gian cao điểm từ 12-16h, nếu phải đi, cần có các phương tiện hỗ trợ như áo chống nắng, kính mát, nhằm tránh tác động của nhiệt và tia tử ngoại ngoài trời....
Cũng theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu, qua "giờ vàng" thì di chứng để lại nặng nề, khó khăn trong điều trị và chi phí rất cao, vì vậy khi người thân có các triệu chứng trên, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế sớm nhất. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, như kỹ thuật tiêu sợi huyết đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học… giúp cứu sống và phục hồi nhanh cho nhiều bệnh nhân đột quỵ.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh