Đặc biệt, các phong trào thi đua được gắn kết với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Có thể kể một số phong trào thi đua, nổi bật là: phong trào thi đua: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Đây là phong trào thi đua được cả hệ thống chính trị vào cuộc; được các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nên đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã có 101/119 xã, 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, có 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp đến là phong trào thi đua: "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Phong trào thi đua: "Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban vận động Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội của tỉnh. Tổ chức lễ phát động xây dựng Quỹ, có gần 100 tập thể, cá nhân ủng hộ với số tiền trên 9,2 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 60 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959 - 2019). Đợt thi đua cao điểm đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, qua đó tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, với nhiều hoạt động bổ ích, góp phần làm nổi bật ý nghĩa về những nội dung cốt lõi và những giá trị tư tưởng chính trị, lịch sử, văn hóa kết tinh trong Di chúc, về đạo đức cách mạng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tình cảm sâu nặng của Người dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình.
Tổng kết đợt thi đua cao điểm, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 20 tập thể và 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua. Bên cạnh đó, hoạt động của các khối thi đua của tỉnh và của các đơn vị, địa phương ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Tổ chức thực hiện đăng ký, ký kết giao ước thi đua trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, địa phương với những nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tạo điều kiện trao đổi, phổ biến, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các nhân tố mới trong các phong trào thi đua được tôn vinh, phát huy tác dụng nêu gương, học tập trong cuộc sống thông qua việc tổ chức kiểm tra, tham quan học tập mô hình, điển hình tiên tiến của các đơn vị, địa phương. Việc đánh giá, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, bình xét, suy tôn đề nghị khen thưởng bảo đảm công khai, dân chủ. Công tác khen thưởng đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua của tỉnh, đặc biệt đã chú trọng khen cho người lao động.
Tuy vậy, công tác thi đua, khen thưởng năm qua cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đó là, phong trào thi đua của các cụm, khối thi đua tuy đã có bước đổi mới về nội dung, tiêu chí thi đua, song còn chưa đều và thường xuyên. Công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến còn chưa kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng và nhân rộng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng về thi đua, khen thưởng ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chậm, chưa thực sự coi việc phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua là động lực để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện và các hoạt động kỷ niệm lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Ninh Bình. Đây là năm tỉnh ta sẽ tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình lần thứ V, giai đoạn 2020-2025. Để các phong trào thi đua trong năm 2020 và những năm tiếp theo tiếp tục phát triển, động viên cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua, phấn đấu lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện và các hoạt động kỷ niệm lớn, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức phát động và thực hiện các phong trào thi đua, như: phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2025. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, mô hình mới, thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện- Bồi dưỡng- Tổng kết- Nhân điển hình tiên tiến. Đổi mới công tác khen thưởng, để mỗi hình thức khen thưởng thực sự khích lệ, động viên mỗi tập thể, cá nhân tích cực làm việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Đông