Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện đang rất phức tạp, tiếp tục gia tăng về lượng người mắc bệnh, số người vào bệnh viện, số người chết và bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới phía Tây Nam. Trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao.
Việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan và người đứng đầu các cấp ở địa phương. Đối với cá nhân, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Tại Nghị định 117/2020/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, từ ngày 15/11/2020, hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở nơi công cộng bị tăng mức phạt lên gấp 10 lần, tức là có thể bị phạt tới 3 triệu đồng.
Có thể khẳng định, thời gian qua công tác tuyên truyền cũng như các hình thức xử phạt của cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh là rất mạnh mẽ, quyết liệt, theo đánh giá của nhiều người dân mức phạt này đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thời gian gần đây công tác phòng chống dịch bệnh của một số người dân vẫn còn có tâm lý chủ quan, lơ là, nhất là trong việc tụ tập đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng, sát khuẩn và giữ khoảng cách an toàn.
Anh Nguyễn Anh Thuận, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Từ khi dịch bùng phát trở lại trong những tháng đầu năm, lúc nào ra nơi công cộng tôi cũng đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng. Song những ngày qua tôi thấy rất nhiều người không quan tâm thực hiện đúng việc đeo khẩu trang. Chắc họ cho rằng Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt nên nguy cơ không cao".
Khảo sát tại các chợ truyền thống, quán trà đá, các cổng trường, công viên, bến xe... trên địa bàn thành phố Ninh Bình, dễ dàng nhận thấy người dân khá "thờ ơ" với việc thực hiện khuyến cao 5K của Bộ Y tế.
Tại chợ chiều phường Tân Thành, mặc dù đã có biển báo yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào chợ của Ban quản lý nhưng vào những giờ cao điểm, nhiều người dân kể cả người bán hàng và mua hàng đều không đeo khẩu trang, hoặc đeo theo kiểu chống đối kéo xuống cằm, hoặc đeo nhưng đến lúc hỏi mua hàng thì lại kéo khẩu trang xuống, tiếp xúc với người bán và nhiều người xung quanh không đúng quy chuẩn, không có tác dụng phòng chống dịch bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, tại các chợ truyền thống không nơi nào thực hiện được khuyến cáo về giữ khoảng cách an toàn.
Có thể thấy, chợ là nơi tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây lan cũng như rất khó kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, cùng với công tác kiểm tra, nhắc nhở của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử phạt đối với những trường hợp cố tình không thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, xem nhẹ sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng.
Không chỉ có các chợ, siêu thị nơi tấp nập người mua, bán mà ngay tại chính các điểm du lịch nhiều người dân chưa có ý thức cao trong công tác phòng chống dịch.
Ghi nhận tại một điểm du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Hoa Lư, rất nhiều du khách hành hương đến đây không đeo khẩu trang, chỉ đến khi có sự nhắc nhở của cán bộ Ban quản lý khu di tích thì du khách mới lấy khẩu trang ra đeo sau đó lại cất đi hoặc kéo xuống cằm.
Ông Lê Đình Thọ, du khách đến từ Thái Bình cho biết: Tôi rất bất bình với những du khách không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Đảng và Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cả xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tính mạng của cá nhân. Thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần xử lý quyết liệt hơn, nghiêm hơn đối với những cá nhân vi phạm tại các điểm du lịch.
Việt Nam đang được đánh giá là một điểm sáng trong phòng, chống dịch COVID-19. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng chưa ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước nguy dịch bệnh bùng phát trở lại tăng cao, song song với đó tỉnh ta cũng quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết. Song việc một số cá nhân ý thức chưa cao, chưa chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về công tác phòng chống dịch nơi công cộng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng như bài học của một số nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch và hỗ trợ du khách, Sở Du lịch cho biết: Năm nay Ninh Bình đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, chính vì thế sẽ có nhiều giải pháp kích cầu để du lịch nội địa sớm phục hồi trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Sau lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 và Lễ hội Hoa Lư, ngành Du lịch cũng ghi nhận lượng khách về Ninh Bình đã có chiều hướng tăng, đặc biệt là vào dịp cuối tuần. Sắp tới dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, theo dự báo lượng khách về Ninh Bình cũng như người Ninh Bình đi du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước sẽ lên con số rất lớn. Chính vì vậy, Sở Du lịch đã yêu cầu các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng đặt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên hàng đầu.
Ngành du lịch cũng sẽ kết hợp với các cơ quan chuyên môn nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh du lịch, các chợ, siêu thị và nơi công cộng để việc phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cộng đồng.
Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình không thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi công cộng; hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Về phía Sở Y tế cũng đã tuyên truyền đến các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn về quy định, biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra nhắc nhở việc thực hiện đúng biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức thực hiện đầy đủ khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm: Khẩu trang- khử khuẩn- khoảng cách- tụ tập.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn