Theo một cán bộ chuyên trách về công tác ATTP của thành phố Ninh Bình, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn… phục vụ người dân và khách du lịch. Qua các đợt thanh, kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch, hầu hết các cơ sở đã có ý thức trong việc sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm, đảm bảo ATTP cho khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh, vì lợi nhuận, đặc biệt lợi dụng dịp lễ, Tết đã găm, nhập hàng không đảm bảo chất lượng để tăng lợi nhuận. Trong khi, các hình thức xử phạt như phạt tiền, tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo chất lượng thường không đáng gì so với lợi nhuận thu được nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn cố tình vi phạm, với hành vi ngày càng tinh vi và thủ đoạn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra.
Trước thực trạng tình hình vi phạm về ATTP vẫn còn diễn ra, hàng năm, Chi cục ATVSTP tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyền truyền về cả hình thức và nội dung nhằm cảnh báo, răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn kiến thức về ATTP cho các đối tượng là cán bộ y tế tuyến huyện, xã, phường, hội, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Mỗi năm Chi cục ATVSTP tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị như ngành Công thương, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng chục nghìn đối tượng, là cán bộ y tế thôn, bản; cán bộ quản lý và nhân viên nấu ăn tại các bếp ăn tập thể trường mầm non, tiểu học; người nuôi trồng, sản xuất lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể trong các công ty, doanh nghiệp…
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được tăng cường, mang lại hiệu quả và có những chuyển biến nhất định. Ngoài duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại các tuyến, vào những dịp trọng điểm trong năm như Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP, Tết Trung thu, mùa lễ hội…, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức cho người kinh doanh, kiên quyết xử phạt các lỗi vi phạm, tước giấy phép kinh doanh những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, tiêu hủy hàng loạt các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước vào thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi năm có hàng nghìn lượt cơ sở được thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm hàng tỷ đồng, tiêu hủy hàng tấn sản phẩm thực phẩm, hàng hóa ôi thiu, không có nguồn gốc, hết hạn sử dụng…
Thực tế cho thấy, để đảm bảo chất lượng ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, điều tiên quyết vẫn là đề cao lương tâm và trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng ATTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Và cần hơn cả, là ý thức người tiêu dùng trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Mỗi người dân cần phải là những người tiêu dùng "thông thái", có những kiến thức đầy đủ, sáng suốt lựa chọn những sản phẩm đảm bảo ATTP. Bởi khi người tiêu dùng không mua bán, sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm không đảm bảo thì những sản phẩm này không có nơi tiêu thụ, không có chỗ đứng trên thị trường.
Hạnh Chi