Có mặt trong khoảng 15-20 phút đầu giờ buổi sáng tại Phòng Tiêm chủng Vacxin của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chúng tôi đã thấy có đến 4 người được đưa đến tiêm phòng phơi nhiễm do chó cắn, trong đó chủ yếu là đối tượng trẻ em. Chị Nguyễn Thị Cúc, xã Gia Lập (Gia Viễn) không khỏi lo lắng cho cậu con trai 7 tuổi bị chó cắn mấy ngày nay. Chị Cúc cho biết, con chị đang đi chơi ngoài đường ở gần nhà thì bị 1 con chó chạy xô vào cắn. Cháu quá sợ hãi nên khi hỏi cũng chẳng biết chó nhà ai để mà theo dõi, trong khi số gia đình nuôi chó tại thôn xóm thì quá nhiều và phần lớn là thả rông trong nhà, ngoài ngõ. Để yên tâm về sức khỏe và tính mạng cho con, chị Cúc quyết định cho con đi tiêm phòng ngay dù rất lo cho sức khỏe của con và gây tốn kém tiền bạc.
Đối với cháu Mai Tiến Thành, xã Ninh Tiến (Hoa Lư) thì những ngày nghỉ hè chưa được nghỉ ngơi vui chơi bao nhiêu đã bị chó nhà hàng xóm cắn. Vừa phải điều trị vết thương khá sâu ở chân do chó dại cắn, cháu Thành còn phải đi tiêm phòng ngay, bởi con chó sau khi cắn không biết bỏ đi đâu cả tuần không về, trong khi gia đình hàng xóm cho hay "định cho chó tiêm phòng mà chưa kịp…". Còn chị Nguyễn Thị Hiền, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) thì xót xa thương con mới hơn 1 tuổi còn quá nhỏ đã bị con chó cả chục kg lao vào cắn nát bắp chân, xô ngã sấp mặt xuống đất. Chị Hiền cho hay, mặc dù chó đã được tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tại phường, nhưng gia đình vẫn cho con đi tiêm vắc xin phòng bệnh để yên tâm hơn.
Tìm hiểu tại Phòng Tiêm chủng vacxin của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được biết, trong những ngày tháng 6 và 7, mỗi ngày có trên dưới 50 người đến tiêm phòng phơi nhiễm bệnh dại do vật nuôi cắn, trong đó chủ yếu là chó, mèo cắn. Đây là con số không hề nhỏ, cho thấy tỷ lệ con nuôi tại các gia đình không được quan tâm tiêm phòng, dẫn đến người dân khi bị chó cắn không biết nguồn gốc vật nuôi có an toàn và phải đi tiêm phòng phơi nhiễm bệnh dại. Thêm vào đó, việc quản lý các loại vật nuôi, nhất là chó tại các khu dân cư còn quá lỏng lẻo, đa phần để thả rông, nuôi tự do, dẫn đến nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân xung quanh.
Bác sĩ Trần Văn Thiện, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật (chủ yếu là chó, mèo) sang người qua vết cắn, vết liếm trên da làm niêm mạc bị tổn thương. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao tới 99,9%, do vậy, khi bị chó, mèo cắn, mọi người cần tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt. Người dân có thể yên tâm tiêm vắc xin mà không phải lo lắng về các phản ứng phụ của thuốc. Thực tế hiện nay vẫn còn một số người cho rằng, vắc xin dại độc hại cho sức khỏe. Nhưng đó là suy nghĩ không đúng, bởi vắc xin dại cũng là để phòng bệnh như các loại vắc xin khác, tính an toàn được tổ chức y tế thế giới công nhận, ở nhiều quốc gia và những vùng có nguy cơ cao, người dân chủ động tiêm phòng dại như các loại vắc xin khác (tiêm khi chưa bị phơi nhiễm).
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ năm 1992 đến năm 1998, toàn tỉnh có 27 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra ở cả 8/8 huyện, thành phố, trong đó nhiều nhất là ở huyện Hoa Lư và Nho Quan với từ 5-7 người. Từ năm 1999 đến 2014, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp, trong đó 3 trường hợp ở huyện Nho Quan và 1 trường hợp ở thành phố Ninh Bình. Sở dĩ tỷ lệ tử vong do bệnh dại giảm đáng kể những năm gần đây là do nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua việc số lượng người đi nghe tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại tăng đáng kể qua các năm. Cụ thể là, từ năm 2000 đến 2013, mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận từ khoảng 1 đến hơn 1 nghìn người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng. Từ năm 2014 đến nay, con số này lại có xu hướng tăng lên, năm 2014 là trên 1,3 nghìn người, năm 2015 là trên 1,5 nghìn người, năm 2016 gần 2 nghìn người; năm 2017 có gần 2,3 nghìn và 6 tháng đầu năm 2018 tăng lên đáng kể với khoảng 2 nghìn người phải đi tiêm dự phòng. Nguyên nhân nhiều người bị chó cắn là do tình trạng nuôi chó thả rông, tự do hiện nay diễn ra rất phổ biến ở tất cả các thôn xóm, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát và phòng chống bệnh dại; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Đồng thời cung ứng đầy đủ vắc xin cho người dân có nhu cầu; hỗ trợ miễn, giảm kinh phí tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại cho các đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, người nghèo, người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nắm bắt tình hình phơi nhiễm bệnh dại trên người và tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo, qua đó giúp công tác phòng chống bệnh dại được chủ động và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: Hạnh Chi