P.V: Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô zôn được phê chuẩn trên cơ sở Nghị định thư Montreal năm 1987. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Nghị định thư Montreal, cũng như nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, các tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vấn đề này ?
Đồng chí Đặng Thị Thanh Hương: Lỗ thủng tầng ôzôn được các nhà khoa học trên thế giới là Farman, Gardiner, Shanklin… phát hiện lần đầu tiên năm 1987 ở Nam Cực đã làm chấn động dư luận toàn cầu, dấy lên sự lo ngại sâu sắc về môi trường và sức khỏe con người. Trước tình hình đó, Nghị định thư Montreal được ra đời nhằm mục tiêu hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng, sản xuất các hợp chất cacbon của Clo và Flo cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ôzôn khác như Tetradorit cacbon, các hợp chất của Brôm (halon) và methylcholoroform để bảo vệ tầng khí quyển, ngăn chặn bức xạ tia cực tím có hại chiếu xuống, bảo vệ sự sống trên trái đất.
Trên cơ sở Nghị định thư Montreal, năm 1994 Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố lấy ngày 16-9 hàng năm là ngày Quốc tế bảo vệ tầng ôzôn. Từ khi ra đời đến nay, Nghị định thư được coi là điều ước Quốc tế về môi trường thành công nhất, là phao cứu sinh cho tầng ôzôn, với sự đồng thuận và tham gia của 100% các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Nghị định thư cũng được tất cả các ngành, tập đoàn công nghiệp và người dân toàn cầu ủng hộ.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít các tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt vấn đề bảo vệ môi trường sống. Một số doanh nghiệp, cá nhân chưa chú ý thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, vẫn còn xả trực tiếp nước thải, khí thải, rác thải, không thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý theo yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường.
Đoàn viên thanh niên Trường cao đẳng Lắp máy LILAMA 1 ra quân làm VSTM
P.V: Ninh Bình đã triển khai các chương trình, hoạt động gì để thực hiện Điều ước Quốc tế về bảo vệ tầng ôzôn?
Đồng chí Đặng Thị Thanh Hương: Đối với Ninh Bình, nhận thức được nguy cơ cũng như những thuận lợi trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, để từng bước ứng phó với biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn nói riêng, ngay từ năm 2005, tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2020; lập Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2020. Việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều dựa trên quy hoạch và kế hoạch đảm bảo phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương trên cơ sở phân vùng lãnh thổ, phân vùng chức năng phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường.
Hàng năm, các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tầng khí quyển, bảo vệ tầng ôzôn nói riêng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết các chương trình phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Cảnh sát môi trường… mở rộng công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như hội thảo chuyên đề, tập huấn, in ấn tờ rơi, áp-phích, panô, trong đó tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, chung tay ngăn chặn sự suy giảm tầng ôzôn như không sử dụng thiết bị làm lạnh thương mại, gia dụng có chứa CFC, hạn chế lắp, sử dụng điều hòa không khí…
Ninh Bình cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững trên địa bàn, mà bước đầu là tiến hành lập quy hoạch chi tiết quản lý vùng bãi bồi, quy hoạch hợp lý vùng nuôi trồng thủy sản với vùng bảo tồn, rừng ngập mặn ven biển.
Đồng thời, Ninh Bình chỉ đạo thực hiện hạn chế, từng bước xóa bỏ loại hình sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính như đã xóa bỏ 100% lò nung vôi, gạch thủ công trên địa bàn thành phố Ninh Bình và tiến tới xóa bỏ 100% lò gạch thủ công trên địa bàn toàn tỉnh; đình chỉ sản xuất các dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường; khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường của nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình I; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cao vào công tác bảo tồn, phát triển rừng và đa dạng sinh học. Hiện toàn tỉnh bảo vệ tốt 5 hệ sinh thái đặc trưng là rừng trên núi đá vôi, gò đồi, đồng bằng, vùng ven biển, tiêu biểu có rừng đặc dụng Hoa Lư, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương, rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn...
P.V: Nhận thức rõ ảnh hưởng, tác động tiêu cực của sự suy giảm tầng ôzôn, biến đổi khí hậu, cùng với các Bộ, ngành, địa phương khác, trong thời gian tới Ninh Bình triển khai các giải pháp ứng phó như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Thị Thanh Hương: Nhận thức về biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn vẫn còn hạn chế nhất định, do vậy nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là phải nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, khả năng ứng phó với những tác động tiêu cực từ việc biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn.
Ninh Bình đang chỉ đạo ngành chức năng tăng cường điều tra, quan trắc diễn biến môi trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là môi trường lưu vực sông Đáy, khu vực bãi bồi ven biển Kim Sơn, khai thác khoáng sản; triển khai điều tra lượng và lĩnh vực sử dụng các chất HCFC nhằm cắt giảm việc sử dụng theo Nghị định thư Montreal.
Trong quản lý môi trường, ngành chức năng sẽ tăng cường áp dụng công cụ kinh tế như ký, thành lập Quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, Quỹ môi trường địa phương. Tiến hành quy hoạch, xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung cho cấp huyện, cấp xã, xử lý chất thải làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung.
Chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, rừng đặc dụng nhằm bảo tồn, phát triển nguồn đa dạng sinh học quý hiếm tại các khu vực này. Nâng cao năng lực cán bộ công tác quản lý môi trường ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định thư Montreal và các Điều ước Quốc tế bảo vệ tầng ôzôn một cách sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường sống toàn cầu....
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Thủy (thực hiện)