Phóng viên (PV): Xin bác sỹ cho biết về tình hình dịch cúm A(H7N9) hiện nay đang diễn biến như thế nào?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Tình hình dịch cúm A(H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại Trung Quốc, có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào Việt Nam. Tại nước ta, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người và gia cầm.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm khác lây từ gia cầm sang người; 2 ổ dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm tại Yên Thịnh (Yên Mô) và Văn Phương (Nho Quan) đã được công bố hết dịch. Tuy nhiên, trước những diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp từ quốc gia láng giềng, trong bối cảnh thời tiết có nhiều thay đổi bất thường như hiện nay, công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9) luôn được ngành Y tế tăng cường và có những chỉ đạo sát sao. Trong đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này là hết sức cần thiết.
PV: Xin bác sỹ cho biết cúm A(H7N9) có những dấu hiệu nhận biết như thế nào? Bệnh lây truyền theo đường nào?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Tác nhân gây bệnh cúm A(H7N9) là vi rút cúm A(H7N9), có nguồn gốc từ gia cầm. Biểu hiện bệnh là viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với các triệu chứng cụ thể là: có sốt, ho, đau ngực, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp.
Thực tế từ nhiều năm trước trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A(H7N9). Đây là chủng cúm mới, xuất hiện từ 2 năm nay. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận nguồn truyền nhiễm, phương thức lây truyền chưa rõ ràng.
PV: Thưa bác sỹ, để phòng, chống cúm A(H7N9), người dân cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh này, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo phòng, chống bệnh cúm A(H7N9) tại cộng đồng như sau:
Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có dịch cúm A(H7N9) phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!
Phan Hiếu (Thực hiện)