Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận và huy động được đông đảo các lực lượng tham gia. Có nhiều tập thể, cá nhân hiến kế, hiến công, hiến đất xây dựng các công trình theo tiêu chí NTM. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch ra đời.
Công tác dồn điền, đổi thửa phát huy hiệu quả, xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn, nâng cao hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều công ăn việc làm mới được tạo ra, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, môi trường nông thôn được bảo vệ.
Kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được cải thiện, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế của địa phương, tỷ lệ người dân hài lòng ngày càng cao. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp với khí thế mạnh mẽ.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, điển hình tiên tiến được tổng kết và nhân rộng. Có thể nói xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình "ý Đảng hợp lòng dân"...
Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, toàn diện. Tiến độ, chất lượng thực hiện chương trình chưa đồng đều, có nơi còn chậm, nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới còn khá cao, tốc độ giảm nợ còn chậm. Cơ chế huy động nguồn nhân lực cho chương trình việc thực hiện chưa được thông thoáng. Chất lượng đời sống, thu nhập của người dân chưa đồng đều giữa các vùng, chưa bền vững...
Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh đã phê duyệt Đề án số 29/Đ.A-UBND tỉnh ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh Ninh Bình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu là: Đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 105 xã đạt chuẩn NTM, các huyện Hoa Lư, Yên Khánh đạt chuẩn NTM, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bình quân tiêu chí đạt chuẩn/xã là 18,5 tiêu chí. Xây dựng ít nhất 7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 81 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện được mục tiêu quan trọng trên đây, toàn tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có thêm 26 xã đạt chuẩn NTM (năm 2018: 10 xã, năm 2019: 16 xã). Huyện Yên Khánh đạt chuẩn NTM năm 2018. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách đã phân bổ cho các đơn vị, đồng thời huy động thêm các nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng NTM với mục tiêu giảm nợ đọng xây dựng NTM nhưng vẫn có kinh phí xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh.
Đẩy nhanh tiến độ thủ tục, hỗ trợ để sớm tổ chức đấu giá đất tạo nguồn lực xây dựng NTM. Rà soát điều chỉnh quy hoạch NTM, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều chỉnh đề án xây dựng NTM cấp xã cho phù hợp với quy định mới của Trung ương và điều kiện cụ thể của địa phương.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi nghề, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho nông dân về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp...
Nguyễn Kim