Tuy nhiên, thời gian qua việc sử dụng cũng như quản lý đất đai ở nhiều địa phương trong cả nước đã bộc lộ những hạn chế. Tại hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), đã chỉ rõ những yếu kém trong lĩnh vực quản lý đất đai, đặc biệt là tình trạng đầu cơ, lãng phí, tham nhũng, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Kỳ I: Luật Đất đai năm 2003 và những vấn đề đặt ra
Việc quy hoạch, sử dụng đất tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 23-10-2000 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết số 04/2007/NQ-CP ngày 23-1-2007 đã phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh sang công nghiệp, du lịch và dịch vụ, tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng quỹ đất. Sau khi quy hoạch sử dụng đất của tỉnh được phê duyệt, UBND tỉnh đã có Quyết định số 750/QĐ-UB ngày 14-5-2002 phê duyệt đề cương và dự toán lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 cho các huyện, thị xã. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể định hướng xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy hoạch các khu du lịch, làng nghề, quy hoạch khai thác khoáng sản và các phương án quy hoạch ngành như: Quy hoạch khu Trung tâm tại thành phố Ninh Bình; khu đô thị mới, quy hoạch sử dụng đất giao thông, quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện, quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ.
Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 3 cấp tỉnh Ninh Bình được thực hiện tương đối đồng bộ, từng bước đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, phát huy hiệu quả thiết thực làm cho công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ. Kết quả là có 7/8 huyện, thị xã đã hoàn thành việc lập và công bố quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, 123/146 xã, phường, thị trấn đã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010; thành phố Ninh Bình đang tiến hành kết hợp lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian đô thị đến năm 2020.
Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phần nào khắc phục được tình trạng manh mún trong sử dụng đất. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các địa phương đã khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của đất đai để tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc định hướng duy trì quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực được giữ vững. Công tác thực hiện quy hoạch đã được công khai và được nhân dân tham gia, giám sát. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch được tiến hành thường xuyên thông qua việc thẩm định hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép khai thác khoáng sản và thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát đối với từng đơn vị cụ thể.
Tốc độ thu hút đầu tư vào tỉnh tăng nhanh, từ năm 2003-2010, trên địa bàn tỉnh có 429 dự án được chấp thuận đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Do đó, đòi hỏi công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện đúng trình tự, nhanh gọn đáp ứng yêu cầu đầu tư, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển đô thị và quy hoạch của các ngành, được thực hiện theo đúng thẩm quyền và trình tự pháp luật quy định, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất.
Từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 2.135 quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 12.982,82 ha, gồm: Đất nông nghiệp 4.563,62 ha, đất phi nông nghiệp 4.937,58 ha và đất chưa sử dụng 3.481,62 ha để sử dụng vào các mục đích: làm đường giao thông 747,53 ha, đất thủy lợi 849,47 ha, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp 3.355,97 ha, đất phi nông nghiệp còn lại 7.161,72 ha và đất do ảnh hưởng dự án giao cho UBND cấp xã quản lý 867,86 ha.
Việc xác định giá đất là một nội dung khó trong quản lý Nhà nước về đất đai. Giá đất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, pháp luật. Do vậy, việc xác định giá đất vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện với mục đích là bảo đảm quyền lợi của Nhà nước và của người sử dụng đất. Giá đất ban hành phải chi tiết cho từng vị trí, từng thời gian, bảo đảm được chức năng quản lý và sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Có thể nói, Luật Đất đai ra đời có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Qua 9 năm triển khai, nhìn chung các quy định của Luật Đất đai năm 2003 đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng các địa phương, các quy định của Luật đã bộc lộ khá nhiều bất cập, vướng mắc như: Công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn hạn chế; tình hình khiếu kiện về đất đai diễn biến phức tạp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn chồng chéo; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.
Về những vấn đề cụ thể, đồng chí Chu Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2003 trong những năm qua cho thấy, hầu hết các quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đã được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai cũng đang đặt ra những vấn đề cần được xem xét để tiếp tục hoàn thiện.
Về giao đất, cho thuê đất và thu hồi quyền sử dụng đất: Thực tế quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị không được lập, đồng thời dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai và việc chuyển đổi rừng, giao rừng, cho thuê rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có nhiều chồng chéo, trùng lặp. Chính sách giao đất đối với các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đất đai hiện hành quy định: Các nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền hoặc thuê đất trả tiền, thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần. Trong khi đó các nhà đầu tư trong nước chỉ được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Nội dung này áp dụng vào thực tế còn một số điểm bất cập, các nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực tài chính muốn hoàn thành nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất (nộp tiền một lần) để yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không được hưởng quyền lợi như nhà đầu tư nước ngoài.
Quyền sử dụng đất được Bộ luật Dân sự công nhận là một loại tài sản của công dân; công dân có quyền định đoạt đối với tài sản này dưới nhiều hình thức, trong đó có quyền tặng cho tài sản. Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định hạn chế đối tượng được nhận tặng, cho, tài sản là quyền sử dụng đất. Rõ ràng quy định của Luật Đất đai hiện hành đang làm hạn chế quyền dân sự của công dân.
Việc xây dựng giá đất và công bố Bảng giá đất vào ngày 1 tháng 1 hàng năm là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường lại rất khó khăn do thường xuyên thay đổi. Các trường hợp chuyển nhượng thường thanh toán bằng tiền mặt, hợp đồng chuyển nhượng để làm thủ tục thường không phản ánh đúng với giá trị chuyển nhượng thực tế. Trong các trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất thì giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhiều khi bị đẩy lên khá cao so với giá chuyển nhượng ở điều kiện bình thường. Do vậy việc xác định giá đất theo phương pháp xác định giá hiện hành để công bố vào ngày 1 tháng 1 hàng năm còn chưa đáp ứng được yêu cầu sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Như vậy, có thể thấy Luật Đất đai năm 2003 đang bộc lộ những bất cập cần được nghiên cứu và sửa đổi nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất đai - một nguồn tài nguyên quý giá của Quốc gia, đồng thời đảm bảo điều tiết lợi ích từ đất đai cho các bên liên quan.
Kỳ II: Đảm bảo điều tiết lợi ích từ đất đai
Quản lý Nhà nước về đất đai là nhu cầu khách quan, là công cụ bảo vệ và điều tiết các lợi ích gắn liền với đất đai và quan trọng nhất là bảo vệ chế độ sở hữu về đất đai. Nhiệm vụ này cần được đổi mới một cách cụ thể và phù hợp để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được soạn thảo, bổ sung và sẽ lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Luật Đất đai sửa đổi vừa đảm bảo tính ổn định, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Luật Đất đai năm 2003, qua thực tế hơn 8 năm triển khai đã bộc lộ khá nhiều bất cập, vướng mắc cần sửa đổi như vai trò của Nhà nước đối với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý các nguồn lợi từ đất đai cho phát triển; vấn đề phân bổ nguồn tài nguyên đất đai, chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trong trồng cây hàng năm đã giao theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ; chính sách điều tiết lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và công dân; cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư; thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020, trong đó Quốc hội đã đề nghị Chính phủ "khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để sớm trình Quốc hội thời gian tới".
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, trong đó chú trọng đến lợi ích của Nhà nước. Nhà nước xây dựng cơ chế và có những giải pháp để đất đai trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Luật Đất đai nằm trong hệ thống các ngành luật của Việt Nam, do đó phải đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan. Giữ vững tính nguyên tắc pháp chế và tính nghiêm minh của pháp luật về đất đai, hạn chế các quy định mang tính chất hợp thức hóa vi phạm. Đảm bảo thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở. Tập trung đầu mối để nâng cao vai trò của đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi thành viên trong xã hội đối với việc quản lý và sử dụng đất.
Đồng chí Chu Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 192 điều. So với Luật Đất đai năm 2003, bố cục dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tăng thêm 6 chương và 46 điều. Nhìn chung, Luật Đất đai (sửa đổi) về căn bản vẫn trên cơ cở Luật Đất đai năm 2003. Có ba điểm mới trong nội dung sửa đổi đó là: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đối với đất sử dụng có thời hạn như đất nông nghiệp (trước đây thời hạn là 20 năm) nay tăng lên 50 năm; thời hạn của các loại đất khác cũng được điều chỉnh. Hạn mức giao đất (hạn điền) về cơ bản không thay đổi so với Luật hiện hành, tuy nhiên hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được dự kiến là không quá 10 lần hạn mức tạo điều kiện cho sự tích tụ đất, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
Về cơ chế thu hồi đất, thay bằng việc các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với dân (người sở hữu đất đai) khi tiến hành thu hồi đất phục vụ các dự án thì dự thảo Luật quy định: Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. Tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch, sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Quy định trên sẽ đảm bảo tính ổn định của pháp luật, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động quỹ đất thực hiện dự án, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, giảm khiếu kiện về đất đai và giảm tải cho các cơ quan Nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất.
Cũng theo đồng chí Chu Thanh Hà, việc bồi thường, tái định cư, thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia là một yêu cầu tất yếu, phù hợp với tiến trình phát triển. Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có Luật Đất đai để điều chỉnh vấn đề này, đặc biệt ở những công trình lớn, công trình thủy lợi, thủy điện. Về cơ bản, các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chính sách cho người dân bị thu hồi đất, đặc biệt là về đền bù, tái định cư, tổ chức cuộc sống cho người dân sau khi di dời. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả chưa được như mong đợi. Đời sống của nhiều người dân dù đã được cải thiện nhưng so với yêu cầu, tiêu chí của Chính phủ đặt ra là nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì phần lớn là chưa đạt được. Có những nơi có đất hoặc không đủ đất đảm bảo cho người dân tái định cư; có những nơi có đất nhưng lại trong điều kiện rất xấu, người dân không thể sản xuất, nhiều nơi người dân đã quay trở lại nơi ở cũ của mình. Điều này gây khó khăn trong vấn đề ổn định đời sống. Cùng với đó, quy hoạch về hạ tầng phục vụ dân sinh chưa được đồng bộ, nhiều nơi khi xây dựng xong, đưa vào sử dụng thì công trình đã xuống cấp...
Do đó, quy định của pháp luật về chính sách đền bù đất cần phải được điều chỉnh, sửa đổi phù hợp hơn với người dân, đặc biệt là quy định về giá trị bồi thường đất cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng giá đền bù cách quá xa so với giá thị trường. Công tác quy hoạch tái định cư cũng rất quan trọng, trong đó phải có quỹ đất dành cho tái định cư, không chỉ đất sản xuất mà quy hoạch không gian sinh tồn ở điểm định cư phải đầy đủ, phù hợp với người dân. Thời gian qua, nhiều nơi khởi công xây dựng rồi mới tiến hành nghiên cứu quy hoạch tái định cư. Đây là một nội dung quan trọng phải được đưa vào sửa đổi Luật Đất đai sắp tới nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích về đất của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Nguyễn Thơm