Trong bối cảnh nhiều loại nông sản chưa tìm được đầu ra ổn định thì tại xã Khánh Dương (huyện Yên Mô), vấn đề này đã được giải quyết. Đó là nhờ sự chủ động của HTX nông nghiệp Liên Dương đã ký kết hợp đồng với 5 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên, nông dân. Nhờ vậy, đầu ra cho nông sản của 60ha cây trồng luân canh 3 vụ như ngô ngọt, mướp Nhật, ớt xuất khẩu… đều được HTX thu mua tập trung. Vụ này, gia đình ông Đinh Văn Thuyên trồng 4 sào mướp Nhật. Nếu như trước kia, gia đình phải tự tìm kiếm đầu ra hoặc tiêu thụ tại thị trường tự do, thì nay HTX nhận bao tiêu toàn bộ nông sản bằng với giá thị trường.
Ông Thuyên cho biết: Trên diện tích trồng cây màu, gia đình tôi luân canh 3 vụ/năm, trồng các loại cây hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tham gia chuỗi sản xuất, bao tiêu sản phẩm của HTX, nông sản thu được bao nhiêu thì HTX thu mua hết bấy nhiêu.
Đến nay, khi cây trồng đã chuyển sang giai đoạn cuối vụ thu hoạch, việc thu mua nông sản vẫn được triển khai. Không còn cảnh rao bán khắp chợ lớn, chợ nhỏ như trước nữa. Không chỉ riêng gia đình tôi, bà con nông dân trong vùng rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.
Được biết, các giống cây trồng này được canh tác theo quy trình tiên tiến, trong đó HTX đảm nhiệm nhiều khâu như cung ứng giống, vật tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị canh tác đạt gần 160 triệu đồng/ha. Theo ông Bùi Văn Lương, Giám đốc HTX Liên Dương, các tiêu chí về chất lượng nông sản mà các doanh nghiệp, công ty bao tiêu đề ra rất khắt khe, đòi hỏi quy trình sản xuất an toàn.
Vì vậy, HTX đã tổ chức nhiều buổi đi thực tế và tham quan mô hình ở các địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai sản xuất mô hình đạt hiệu quả. Việc ký kết bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp đã giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế thu được từ nông nghiệp.
Cũng tại huyện Yên Mô, chúng tôi về thăm 8 ha ao nuôi chạch sụn của HTX cây con đặc sản Yên Hòa. Tuy mới thành lập đầu năm 2018, nhưng đơn vị không chỉ cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất cho bà con nông dân mà còn làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhận thấy những thửa ruộng xấu, cấy lúa kém hiệu quả, HTX đã vận động xã viên chuyển đổi 8 ha sang nuôi chạch sụn và liên kết với doanh nghiệp để cung ứng giống, thức ăn.
Do là giống cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao, mức giá dao động từ 80 đến 90 nghìn đồng/kg, lại được bao tiêu sản phẩm ngay từ bờ ao nên doanh thu từ cá chạch sụn đạt khoảng 400 triệu đồng/ha. Việc ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản đã hình thành mối liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, giúp nông dân, xã viên yên tâm sản xuất.
Ông Mai Quang Kìn, Giám đốc HTX cây con đặc sản Yên Hòa cho biết: Để tìm đầu ra cho cá chạch sụn, HTX đã liên hệ và ký hợp đồng với một doanh nghiệp của tỉnh Nam Định, phối hợp đồng bộ từ việc nghiên cứu, sản xuất con giống, đến bao tiêu luôn cả sản phẩm cho bà con nông dân. Để chủ động trong tình huống năng suất vượt mức bao tiêu của công ty, HTX cũng chủ động liên hệ, "chào hàng" tại nhiều nơi như Hà Nội, Thanh Hóa.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 350 HTX, trong đó có trên 250 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Đồng hành cùng các HTX trong việc giải bài toán "đầu ra cho nông sản", Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, là cầu nối thúc đẩy việc liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng...
Qua đó, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên, tạo cơ hội liên kết hợp tác, kinh doanh. Đồng thời tăng cường vai trò trong tiêu thụ nông sản, thông qua ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ "đầu vào", chuyển giao và giám sát quy trình kỹ thuật, liên kết sản xuất và tiêu thụ "đầu ra" cho nông sản, góp phần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Vũ Văn Cung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước như các sản phẩm: thịt dê của HTX dê Ninh Bình, cơm cháy của Công ty cổ phần cơm cháy Đại Long, chạch sụn của HTX cây con đặc sản Yên Hòa, các loại rau, củ, quả của HTX Khánh Thành, gạo chất lượng cao của các HTX nông nghiệp Hợp Tiến, Đồng Xuân Tiến...
Qua đó đã giúp nhiều HTX tìm được đối tác, tạo mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế tập thể tỉnh, trong đó chú trọng đến việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ đơn vị thành viên; tích cực tìm kiếm thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư để hỗ trợ các HTX tham gia liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất - tiêu thụ - người tiêu dùng...
Tuy nhiên, vấn đề then chốt vẫn là ở chính các HTX. Theo đó, các HTX cần đẩy mạnh sản xuất, chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, phù hợp với xu hướng thương mại hóa toàn cầu. Chủ động hình thành các khu vực sản xuất tập trung và hình thành chuỗi liên kết các thành phần kinh tế với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thái Học