Không ít người phải giật mình khi đọc, nghe, xem những dòng tin: thịt, nội tạng động vật hôi thối, bốc mùi chỉ qua ngâm tẩm hóa chất lại tươi như mới; rồi công nghệ biến thịt heo nái thành thịt bò; rồi ngâm măng tươi, rau dưa vào chất vàng ô; cho gà ăn thức ăn trộn với chất vàng ô để có màu da vàng, đẹp; rồi pha cồn với nước để thành giấm, thành rượu… Nói về nguy cơ thực phẩm bẩn gây mất an toàn với sức khỏe người dân, một vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nhận xét: "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế". Để đảm bảo ATTP, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 Bộ là: Nông nghiệp và PTNT, Y tế và Công thương trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong phạm vi cả nước. UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn của mình. Có thể nói bộ máy quản lý là toàn diện, đồng bộ và chặt chẽ, nhưng tình hình ATTP vẫn chưa thực sự yên tâm.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, công tác quản lý Nhà nước về ATTP thời gian qua tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Hoạt động thông tin tuyên truyền về ATTP được tăng cường cả về số lượng, thời lượng và bằng nhiều hình thức thích hợp. Công tác thanh, kiểm tra, giám sát liên ngành được tăng cường đáng kể nhất là các dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, Tháng hành động ATTP…, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm, hạn chế tình trạng xảy ra ngộ độc thực phẩm và vi phạm về vệ sinh ATTP. Tuy vậy, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, ở tỉnh ta còn xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Công ty TNHH Silrang Electronics, làm 14 người bị ngộ độc và 273 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ….
Đó chỉ là tảng băng nổi làm cho mọi người thấy ngay kết quả, nhưng nguy hại hơn vẫn là các loại thực phẩm không an toàn đang từng ngày bào mòn sức khỏe của mỗi người qua việc ăn, uống. Theo báo cáo của ngành chức năng, kết quả kiểm nghiệm và giám sát chất lượng thực phẩm 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy: Tổng số mẫu xét nghiệm tại Labo kiểm nghiệm 209 mẫu, trong đó 77 mẫu không đạt, chiếm 36,8%. Tổng số mẫu xét nghiệm nhanh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là 9.672 mẫu, trong đó có 865 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 8,9%. Tổng số mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm 66 mẫu, trong đó phát hiện 10/48 mẫu giò, chả nhiễm hàn the (20,83%); 02/04 mẫu phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (50%); 02/08 mẫu thức ăn chín nhiễm Ecoli (25%)...
Chỉ tính riêng tháng hành động vì ATTP năm 2016, tập trung kiểm tra các loại thực phẩm như: rau, thịt, thủy hải sản, quả, thức ăn chín trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho thấy: 3/30 mẫu rau, củ, quả tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; ô nhiễm kim loại nặng trong thủy hải sản ở mức cao; 6/33 mẫu vượt ngưỡng giới hạn hàm lượng Cadimi; 8/30 mẫu vượt ngưỡng giới hạn hàm lượng Asen; tỷ lệ thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh cao; 21/25 mẫu thịt nhiễm vi khuẩn Ecoli; 4/25 mẫu thịt nhiễm Coliforms…
Từ những kết quả trên có thể khẳng định, việc sản xuất, kinh doanh rau, thịt, củ, quả; tình trạng vệ sinh trong giết, mổ, vận chuyển, kinh doanh nhiều loại thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng chưa đảm bảo được ATTP. Nguy cơ mất vệ sinh ATTP đang trực tiếp đe dọa, ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người và là một thách thức đối với các cấp, các ngành, nhất là các ngành chức năng.
Vì vậy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các cơ quan truyền thông cùng các cơ quan chức năng của tỉnh, trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành động vi phạm về ATTP. UBND các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động và tích cực chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phát huy vai trò của các đoàn thể và từng người dân trong thôn, xóm, bản, làng vào việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và kinh doanh các loại thực phẩm.
Nguyễn Đông