Phóng viên (PV): Trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh ở huyện Gia Viễn thì đâu là những khó khăn, thách thức lớn nhất, thưa đồng chí?
Đ/c Đỗ Ngọc Cảnh: Đối với địa bàn huyện Gia Viễn những thách thức gặp phải trong công tác phòng chống dịch bệnh là khá nhiều. Trước hết, phải nói đến đầu tiên là do đặc điểm địa lý. Huyện Gia Viễn có 4 xã vũng xả lũ và một số thôn nằm ngoài đê thường hay bị ngập lụt khi mùa mưa lũ đến, do vậy những nơi này luôn đối diện với nguy cơ dịch bùng phát. Bên cạnh đó, huyện Gia Viễn có 2 Khu Du lịch lớn như Khu du lịch tâm linh Bái Đính và Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Mỗi năm, các khu du lịch này đón hàng nghìn khách ở mọi miền đất nước, thậm chí là du khách quốc tế, du khách đến từ những nước có dịch bệnh truyền nhiễm như virus Zika, Mers-CoV… về tham quan, chiêm bái. Do vậy việc quản lý, giám sát dịch trong khách du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi các trang thiết bị, nhân lực thực hiện công tác giám sát phòng chống dịch tuyến huyện, xã còn mỏng. Và cũng như các địa phương khác, một khó khăn nữa đó là do một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh rộng rãi làm cho việc khống chế, đẩy lùi và triệt tiêu dịch bệnh trong cộng đồng rất khó khăn. Tuy nhiên, một khó khăn, thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là ý thức, nhận thức của người dân, nhất là người dân sinh sống ở những nơi dễ bùng phát dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế.
PV: Thời điểm giao mùa bao giờ cũng là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh. Đồng chí có thể cho biết một số dịch bệnh có thể xảy ra và những khuyến cáo đối với người dân trong việc phòng chống dịch bệnh trong thời điểm này?
Đồng chí Đỗ Ngọc Cảnh: Khí hậu mùa Thu - Đông là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm, phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như sởi, rubella, viêm màng não mô cầu, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), tiêu chảy do Rota vi rút, Tay chân miệng,… Bên cạnh các bệnh dịch có tính chất lưu hành trong cả nước như trên thì khả năng xâm nhập của các bệnh khác đang diễn biến phức tạp và gia tăng trong thời gian gần đây trên thế giới vào Việt Nam như cúm A(H7N9), cúm A(H5N6), Sốt xuất huyết do vi rút Ebola, MES-CoV.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu mùa Thu - Đông,
UBND huyện Gia Viễn giao cho Trung tâm Y tế là cơ quan chủ trì, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các, ban, ngành, tham mưu kịp thời cho UBND huyện chỉ đạo triển khai các biện pháp để xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Thu - Đông phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương; Chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong; Đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn và đạt tỷ lệ cao; Đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm cũng đã chủ động phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể trong huyện, các xã, thị trấn nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin bằng nhiều hình thức, khuyến cáo đến người dân cách phòng chống dịch bệnh theo mùa đồng thời phối hợp với Phòng giáo dục đào tạo chủ động tuyên truyền ở các trường học về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa Thu - Đông, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng… Chúng tôi cũng khuyến cáo, người dân tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!
Đào Hằng