Chị Trần Thị Thu Hà, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV được công bố ở một số tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa giáp với Ninh Bình, chị cảm thấy khá lo lắng. Đặc biệt, khi nhiều bạn bè trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo chia sẻ nhiều thông tin khác nhau, có người nhắn tin riêng vào các nhóm, hội, với nhiều thông tin giật gân về dịch bệnh, như sẽ phun thuốc ngừa vi rút nCoV trên bầu trời, đã có các trường hợp người Việt Nam mắc bệnh và tử vong, tỉnh Ninh Bình có người bệnh dương tính với vi rút nCoV... khiến chị càng thêm lo lắng.
Theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh do vi rút nCoV, người dân cần đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. Đặc biệt, người dân bình thường chỉ cần đeo khẩu trang y tế, quan trọng hơn là sử dụng khẩu trang đúng cách, như khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong.
Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai và rửa tay với xà phòng, nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang dùng 1 lần. "Điều đáng nói là do thông tin bị nhiễu loạn, dẫn đến việc người dân hoang mang, lo lắng, kéo theo việc tìm mua và sử dụng các trang thiết bị phòng hộ chưa chuẩn.
Bộ Y tế khuyến cáo, tại thời điểm hiện tại, nếu không phải vùng có dịch, người dân chỉ cần dùng những loại khẩu trang thông thường, khẩu trang vải và vệ sinh sạch sẽ là được, không nhất định phải tìm bằng được khẩu trang y tế và nên cân nhắc dùng ở đâu và dùng khi nào, chứ không nhất thiết phải sử dụng chúng ở mọi lúc, mọi nơi..." - bác sĩ Lê Hoàng Nam cho biết thêm.
Về những dấu hiệu nào thì cần xét nghiệm vi rút nCoV, bác sĩ Lê Hoàng Nam cho biết, hiện nay, chưa có công nghệ xét nghiệm vi rút này tại nhà. Những trường hợp nghi nhiễm bệnh đều cần đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng nhất thiết phải xét nghiệm. Chỉ những trường hợp có các biểu hiện: Sốt, viêm đường hô hấp, có tiếp xúc với người bị bệnh, có qua vùng dịch… mới có thể coi là nghi nhiễm bệnh và cần xét nghiệm...
Hiện, Bộ Y tế đã cung cấp số điện thoại "Đường dây nóng": 19003228 để tiếp nhận những thắc mắc của người dân. Đội ngũ tham gia trả lời "Đường dây nóng" là những y, bác sĩ hàng đầu, có thể giải đáp các thắc mắc liên quan đến bệnh do vi rút nCoV. Đặc biệt, từ ngày 1/2/2020, người dân gọi điện từ các thuê bao di động và cố định đến số điện thoại "Đường dây nóng" đều không mất phí.
Đồng chí Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng cho biết thêm, việc người dân chủ động phòng bệnh là điều rất cần thiết, song cần hiểu đúng bản chất của bệnh mới có thể phòng bệnh hiệu quả. Sự lo lắng thái quá nhiều khi lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của mỗi người. Trong đó, khẩu trang y tế chỉ là một trong những giải pháp góp phần phòng dịch bệnh này. Điều quan trọng là người dân phải thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trước nguy cơ của dịch bệnh mới do vi rút nCoV và các bệnh truyền nhiễm khác có thể xảy ra.
Do đó, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, chỉ cần chủ động theo dõi sức khỏe, làm theo các khuyến cáo của Bộ Y tế, như: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở… nghi ngờ mắc bệnh không nên đi du lịch hoặc đến những nơi tập trung đông người và thông báo ngay cho cơ quan y tế. Mỗi người cũng cần vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Mặt khác, cần chú trọng việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín, giữ ấm cơ thể. Thêm vào đó, cần cảnh giác với khả năng dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người bằng việc không tiếp xúc với vật nuôi mà không có đồ phòng hộ…
Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, để hiểu đúng, hiểu đủ về công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV gây ra, Sở đã ban hành Kế hoạch số 95, ngày 31/1/2020, chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn tăng cường thời lượng, thông tin thường xuyên, chính xác về tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo cần thiết để người dân không hoang mang, lo lắng và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị người dân cảnh giác, chọn lọc thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; tiếp cận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin chính thống. Nếu phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV gây ra, người dân cần thông báo cho các cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh hoang mang trong dư luận xã hội.
Hạnh Chi