Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão của tỉnh nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng. Từ tháng 4/2006, bắt đầu triển khai thi công các hạng mục công trình nâng cấp đê biển Bình Minh II với tổng chiều dài 22,8 km từ cống Như Tân đến cống Càn với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng. Tuyến đê Bình Minh II được nâng cấp cao trình lên đê + 4,5 m, mở rộng và đổ bê tông mặt đê rộng 6 m, xây tường chắn sóng, lát mái đê... đảm bảo an toàn với mực nước triều trung bình, kết hợp nước dâng và sóng leo ứng với bão cấp 12. Đến năm 2008, tiếp tục triển khai thi công nâng cấp giai đoạn II tuyến đê biển Bình Minh với tổng mức đầu tư tổng mức đầu tư gần 350 tỷ đồng. Đến nay, nhiều hạng mục công trình của dự án nâng cấp tuyến đê biển hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo chống bão, lũ, ngăn triều một cách chắc chắn, lâu dài; bảo vệ an toàn sản xuất, nâng cao đời sống dân sinh của hơn 101.000 người dân và 14.763 ha đất tự nhiên, trong đó có 8.286 ha đất canh tác của huyện Kim Sơn; đồng thời kết hợp với giao thông phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ an ninh- quốc phòng ven biển.
Để từng bước xóa bỏ khu phân, chậm lũ cho vùng hữu Hoàng Long, Đức Long- Gia Tường, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho Ninh Bình 2.344/11.569 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện các dự án nâng cấp đê tả, hữu Hoàng Long; mở rộng cửu thoát lũ Mai Phương- Địch Lộng; nạo vét sông Hoàng Long, sông Bến Đang; nâng cấp đê Trường Yên, đê sông Đáy kết hợp đường Bái Đính- Kim Sơn. Các dự án trên được đầu tư nâng cấp đã từng bước giữ vững an toàn cho các tuyến đê, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân khu tả, hữu Hoàng Long, nâng tần suất chống lũ, đảm bảo tiêu thoát lũ kịp thời, bảo vệ thủ đô Hà Nội; giảm thiểu số lần phân lũ, chậm lũ, tiến tới xóa bỏ hẳn các vùng phân lũ sông Hoàng Long ở hai huyện Nho Quan và Gia Viễn; đồng thời cải thiện điều kiện giao thông trong khu vực và tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, du lịch trong vùng.
Trong đó đáng kể là hạng mục công trình xây dựng, nâng cấp tràn Lạc Khoái thành tràn phân lũ và tràn sự cố. Phần tràn phân lũ có chiều dài 116,8 m được sửa chữa, nâng cấp theo hướng kiên cố, hiện đại bằng bê tông cốt thép với 24 cửa điều tiết bằng cửa van thép theo hình thức đóng mở vít điện và quay tay đảm bảo lưu lượng yêu cầu cắt lũ 332 m3/s, cao trình đỉnh tràn phần cứng +4 m và cao trình đỉnh cửa van điều tiết +5,7m. Phần tràn sự cố dài 613,2 m được sửa chữa, nâng cao trình phần cứng của tràn lên +4,5m, khi các tuyến đê hoàn chỉnh đắp hoành triệt theo mặt cắt đê thiết kế... Đến nay, hạng mục công trình nâng cấp tràn Lạc Khoái đã hoàn thành đưa vào phục vụ chống lũ, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão của tỉnh, chủ động trong quá trình vận hành điều tiết lũ trên sông Hoàng Long, đảm bảo giữ an toàn cho các tuyến đê, giảm đáng kể lực lượng, vật tư, phương tiện chống tràn và giảm số lần phân lũ vào khu vực hữu Hoàng Long, bảo vệ an toàn cho hàng nghìn nóc nhà với 58.043 người dân, 5.161ha đất canh tác của huyện Nho Quan và Gia Viễn, đông thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phân lũ, chậm lũ.
Các công trình thủy lợi đầu mối tưới, tiêu lớn cũng được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp &PTNT, tỉnh quan tâm đầu tư vốn để xây dựng, nâng cấp các hồ chứa Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Quang, Thác La, Thường Xung, Đập Trời và hệ thống các trạm bơm tưới, tiêu thuộc khu vực Tả Vạc, tả, hữu Hoàng Long…góp phần nâng cao hiệu quả khai thác phục sản xuất nông nghiệp. Trong đó hồ Thác La đảm bảo tưới cho 913 ha đất canh tác của 3 xã Thạch Bình, Phú Sơn, Lạc Vân (Nho Quan); Hồ Thường Xung cấp nước cho 800 ha đất canh tác. Hệ thống trạm bơm tưới tiêu cũng được đầu tư xây dựng gồm: Khu tả Vạc đầu tư xây 6 trạm bơm đã chủ động tiêu úng cho 4.913 ha đất canh tác; khu tả Hoàng Long có 9 trạm bơm đảm nhiệm tưới cho 605 ha và tiêu cho 2.139 ha; khu hữu Hoàng Long 3 trạm bơm đảm bảo chủ động tưới cho 1.250 ha và tiêu cho 1.541 ha; hệ thống trạm bơm Cổ Quàng, Mật Như đảm bảo chủ động tưới cho 801 ha và tiêu úng cho 2.285 ha đất canh tác thuộc tiểu khu tả Vạc(Kim Sơn) và các xã Khánh Hồng, Khánh Nhạc(Yên Khánh).
Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi, phòng chống lụt bão được đầu tư xây dựng đã nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, từng bước xóa dần các trọng điểm phòng chống lụt bão, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời cải tạo giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho công tác ứng cứu đê điều trong mùa mưa bão, cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thanh Chiên