Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn tỉnh đã triển khai và thực hiện giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi với 10 dự án. Đây đều là những dự án hạ tầng thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương nên được ưu tiên bố trí vốn.
Trong đó có 3 dự án thực hiện vay lại vốn vay ODA đó là Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Ninh Bình, sử dụng vốn WB; dự án đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 700 giường, sử dụng vốn ODA Chính phủ áo; dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Ninh Bình, sử dụng nguồn vốn WB.
Trong số 10 dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn 2011-2016 đã có 7 dự án áp dụng cơ chế tài chính được ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ vốn nước ngoài. Hầu hết các dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu, các gói thầu lớn thông qua đấu thầu rộng rãi nên tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng vốn kết dư.
Bên cạnh đó do biến động của tỷ giá ngoại tệ nên các dự án trong giai đoạn này đều tiết kiệm chi phí đầu tư thực tế nên còn vốn kết dư so với Hiệp định tài trợ, do đó được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nhà tài trợ cho phép tiếp tục sử dụng vốn kết dư để đầu tư mở rộng phạm vi, quy mô ban đầu song vẫn nằm trong khuôn khổ hiệp định đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân vùng dự án.
Với những nỗ lực từ các ngành, các cấp trong tỉnh, trong giai đoạn 2011-2016, đa số các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đều được hoàn thành đúng tiến độ đã phê duyệt. Trong quá trình thực hiện dự án, các hạng mục công việc hoàn thành xong từng bước được đưa vào vận hành, sử dụng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của nhân dân. Các dự án sử dụng vốn nước ngoài giai đoạn 2011-2016 đều được tỉnh ưu tiên bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan trong quản lý, sử dụng vốn nước ngoài đã chủ động, tích cực tiếp cận, tìm hiểu thông tin và giải quyết công việc liên quan đến dự án theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình...Việc giải ngân được tuân thủ theo thời gian quy định trong hiệp định. Theo đó, tổng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã giải ngân trong giai đoạn 2011-2016 là 1.686.350 triệu đồng. Lũy kế vốn ODA tính từ đầu dự án đến hết năm 2016 là 2.108.307 triệu đồng, đạt 89,19% so với tổng vốn tài trợ của 10 dự án.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả, song có thể thấy việc thu hút và sử dụng vốn vay ODA trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, bất cập từ hệ thống chính sách pháp luật do việc quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài có tính phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực với những quy định đặc thù riêng; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vốn nước ngoài có tính đa chiều, mang tính quốc tế, chịu nhiều tác động của nhiều nhà tài trợ, có sự ràng buộc theo các điều ước quốc tế, trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước vẫn còn nhiều khác biệt so với quy định quốc tế...
Việc dử dụng nguồn vốn ODA của một số nhà tài trợ song phương đi kèm nhiều điều kiện ràng buộc về xuất xứ hàng hóa và nhà cung cấp làm giảm tính cạnh tranh của các nhà thầu trong nước. Bên cạnh đó, việc liên lạc, liên hệ, trao đổi thông tin với các nhà thầu nước ngoài bị hạn chế.
Trong số các dự án thực hiện giai đoạn 2011-2016, có 2 dự án thực hiện chỉ định thầu nhà thầu cung cấp thiết bị theo yêu cầu nhà tài trợ là Dự án quản lý và xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình, sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc; dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh, sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ áo. Đến nay dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn còn một số vướng mắc, trong khi việc giải ngân đã kết thúc từ năm 2015. Do vậy dự án chưa đạt được mục tiêu ban đầu.
Trong điều kiện hiện nay tỉnh còn khó khăn về ngân sách, thì việc huy động nguồn vốn vay nước ngoài của các nhà tài trợ vẫn là một ưu tiên, là kênh huy động vốn quốc tế quan trọng để tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Chính vì thế, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định, quyết định đầu tư; rút ngắn quy trình lấy ý kiến các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tăng cường phối hợp trong theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch của các đơn vị có liên quan; kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng thực hiện của từng dự án để có thể bổ sung, điều chỉnh kịp thời; tăng cường chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ vận động, thu hút và triển khai các dự án ODA nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, thiết kế dự án, bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí vốn của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện.
Nguyễn Thơm