Ông Phạm Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Những kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thực tế cho thấy, để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào ba yếu tố chính, đó là: Tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào và phụ thuộc vào giá cả của thị trường. Trên cơ sở đó, tỉnh ta đã đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; giảm chi phí sản xuất; tăng giá trị hàng hóa.
Trong trồng trọt, tỉnh ta đã khảo nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất và đã lựa chọn đưa vào thâm canh các bộ giống lúa cao sản và lúa chất lượng cao phù hợp với từng giai đoạn. Những năm trước, trên tinh thần tăng năng suất, sản lượng để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực thì các giống lúa lai có ưu thế về tiềm năng năng suất như Phú ưu 1, Phú ưu 978, D.ưu 527... đã được lựa chọn đưa vào khảo nghiệm, nhân ra diện rộng với chính sách hỗ trợ giống cho bà con nông dân. Nhưng khi sản lượng lúa đã đạt, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, đời sống của nhân dân tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các loại gạo ngon, chất lượng và giá cả giữa lúa cao sản và lúa chất lượng cao có sự chênh lệch thì xuất hiện xu hướng phát triển song song giữa lúa chất lượng cao và lúa cao sản để đồng thời đảm bảo 2 mục tiêu là an ninh lương thực và nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.
Do đó, từ năm 2009-2010, tỉnh ta tiếp tục khảo nghiệm và nhân ra diện rộng các giống lúa chất lượng cao như LT2, Bắc thơm số 7... và hiện nay vẫn đang tiếp tục khảo nghiệm giống TBR45, ĐH18, RVT... là các giống có tiềm năng năng suất cao, gạo ngon, giá thành cao… Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc đổi mới giống lúa, đã nâng năng suất lúa bình quân toàn tỉnh năm 2011 lên trên 65 tạ/ha, tăng so với năm 2005 là 9 tạ/ha; thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng từ 25 triệu đồng/năm (năm 2005) lên 86 triệu đồng/năm (năm 2011).
Trong ngành chăn nuôi, tỉnh đã ứng dụng tiến bộ KHKT vào việc cải tạo chất lượng con giống, đưa những giống con nuôi mới phù hợp từng vùng như bảo vệ và duy trì giống dê địa phương, đồng thời đưa các giống dê đực có trọng lượng lớn như dê Bách Thảo, dê Bo của Mỹ vào lai tạo ra các thế hệ con lai có trọng lượng lớn, có những ưu điểm tốt của dê cỏ bản địa; cải tạo đàn bò địa phương với phương pháp lai với bò lai Sind tạo ra con lai F1; thực hiện các biện pháp chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh ta đã xây dựng mô hình và đưa vào nhân nuôi nhiều con nuôi mới có hiệu quả như cá rô phi đơn tính, cá bống bớp...
Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và đưa vào nhân rộng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất để giảm chi phí và tăng hiệu quả như: Mô hình gieo thẳng có thể giảm chi phí thuê công cấy; đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm thất thoát và chi phí sản xuất. Với các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được bà con nông dân tiếp nhận và nhân rộng.
Như vậy, có thể khẳng định KHKT đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt khá, bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 3,5%/năm. Nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất đại trà, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa. Đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất trồng lúa, trồng cói, trồng dứa, trồng mía...; một số vùng có giá trị sản xuất đạt trên 100 triệu đồng/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá toàn diện và chuyển dịch theo hướng tập trung có quy mô lớn với nhiều mô hình con nuôi đặc sản. Ngành thủy sản với các loại thủy sản có giá trị cao và có thương hiệu của Ninh Bình được xuất đi các vùng trong cả nước như: Ngao, cua, tôm các loại, cá bống bớp, cá mú chấm nâu...
Tuy nhiên, để phát triển ngành nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững tỉnh cần khắc phục những hạn chế bộc lộ trong quá trình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất…
Ông Phạm Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Với nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao KHKT cho bà con nông dân. Đồng thời kết hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu những giống cây, con mới, phù hợp với điều kiện của tỉnh ta để đưa vào khảo nghiệm, xem xét có thể thay thế giống cũ được không, từ đó lựa chọn ra những bộ giống phù hợp đưa ra sản xuất đại trà. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra để bà con yên tâm sản xuất.
Tiếp tục xây dựng các mô hình và nhân rộng việc cơ giới hóa vào sản xuất ở các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch để giảm chi phí sản xuất và giảm công lao động cho bà con. Những tiến bộ KHKT đưa vào ứng dụng phải làm sao phù hợp với định hướng của tỉnh là xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, cùng giống, đồng trà, nâng cao năng suất, hiệu quả cho bà con.
Hồng Giang