Từ hàng chục năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Thế Định, thôn Đức Thành, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan đã tham gia các dự án trồng và bảo vệ rừng của Nhà nước nhưng với diện tích nhỏ. Sau này, khi có chương trình chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, diện tích rừng trồng của gia đình đã lên tới 2 ha, rừng trở thành hướng phát triển kinh tế chính.
Ông Định cho biết: Trồng 1 ha keo chi phí không nhiều, giống vốn chỉ khoảng 5 triệu đồng, chủ yếu vất vả chăm sóc năm đầu tiên, còn những năm sau hầu như để cây phát triển tự nhiên. Thường thì 5 năm được thu hoạch 1 lần với sản lượng 70-80 tấn/ha, tương đương với giá trị khoảng 70-80 triệu đồng. Tính ra trung bình 1 năm được hơn chục triệu đồng/1ha, tuy không nhiều nhưng với điều kiện đất đai ở đây, chừng ấy là khá rồi.
Ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết: Xích Thổ là xã miền núi cao, diện tích tự nhiên trên 2 nghìn ha, trong đó đất lâm nghiệp, núi đá chiếm khoảng 40%, diện tích đất canh tác chỉ có hơn 800 ha. Từ đặc điểm, điều kiện tự nhiên như vậy, chính quyền xã xác định, phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi là hướng phát triển trọng điểm, bền vững, lâu dài của địa phương.
Nếu như các năm trước đây, người dân hoàn toàn trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước, thì nay nhiều hộ dân trong tỉnh đã tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để trồng rừng kinh tế.
Hiện toàn xã đã chuyển đổi được 400 ha từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; phổ biến là phát triển cây nguyên liệu keo, bạch đàn. Việc trồng rừng kinh tế đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn.
Hiệu quả kinh tế, xã hội trong sản xuất lâm nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu tính toán một cách chi tiết thì giá trị kinh tế trên 1 ha rừng/năm hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năng suất rừng trồng bình quân trên địa bàn tỉnh hiện nay là 60-70 m3/ha/chu kỳ khai thác 6 năm.
Với giá bán 1 triệu đồng/1m3, thì lợi nhuận thu được trong 1 chu kỳ là 60-70 triệu đồng, như vậy trung bình 1 năm 1 ha rừng chỉ thu được 10-12 triệu đồng. Rõ ràng người trồng rừng chưa thể làm giàu từ rừng. Phân tích về nguyên nhân khiến cho việc trồng rừng chưa thu được giá trị như mong muốn, ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng: Diện tích rừng kinh tế của tỉnh chủ yếu vẫn là rừng keo, bạch đàn, bồ đề... gỗ nhỏ dùng để băm dăm, sản xuất ván ghép thanh và làm cây chống trong xây dựng, nên giá trị không cao.
Giống cây trồng cũng là một vấn đề, hiện phần lớn người dân đang sử dụng các giống không rõ nguồn gốc, giống trôi nổi trên thị trường nên chất lượng rừng trồng về sau rất thấp.
Công tác đầu tư chăm sóc rừng cũng chưa được nhân dân, các chủ rừng quan tâm, chủ yếu vẫn là trồng quảng canh. Người dân còn mang nặng tính sản xuất nhỏ, chưa chủ động tiếp cận với tiến bộ KHKT trong sản xuất.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nguồn ngân sách đầu tư cho lâm nghiệp hạn hẹp, cơ sở hạ tầng các khu vực rừng chưa có nên khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển cây giống, phân bón và chăm sóc.
Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập. Tất cả những yếu tố trên dẫn đến hiệu quả sản xuất lâm nghiệp còn thấp.
Được biết, thời gian tới để nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, ngành Lâm nghiệp đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng trong nhân dân. Củng cố hệ thống tổ chức quản lý gắn với tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp.
Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2017-2020 phát triển trồng rừng bằng các giống keo lai, keo tai tượng úc và một số giống mới khác.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu chọn những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, đa tác dụng, dễ tiêu thụ, xác định cơ cấu loài cây trồng rừng phù hợp của từng tiểu vùng sinh thái, từng bước chuyển đổi cây keo sang cây trồng khác.
Xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp theo phương thức trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao với các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chỉ đạo thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật thâm canh rừng trồng; từng bước áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất; thực hiện các quy trình kỹ thuật lâm sinh nhằm rút ngắn chu kỳ kinh doanh của rừng trồng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gỗ rừng trồng.
Mặt khác, cụ thể hóa, đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho lâm nghiệp theo cơ chế đặc thù của tỉnh; huy động các nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng, vốn viện trợ của các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và vốn trong dân đầu tư lại sau khi khai thác rừng trồng.
Xây dựng mô hình sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết "đầu vào, đầu ra" cho sản xuất. Mục tiêu là tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân từ 8%/năm, đến năm 2020 phấn đấu giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 25 triệu đồng/ha/năm n
Hà Phương