Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2 nghìn doanh nghiệp với tổng số trên 126 nghìn lao động, trong đó có 20 doanh nghiệp Nhà nước, 15 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp Nhà nước; 26 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trên 2 nghìn doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Sự phát triển của các thành phần kinh tế, hàng năm đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với sự phát triển về số lượng các doanh nghiệp, sẽ kéo theo sự gia tăng về người lao động điều đó cũng khiến cho tình hình tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình trạng trên, những năm qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động; xây dựng, đăng ký thang bảng lương, quy chế trả lương, nội quy lao động, ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể… đặc biệt, đội ngũ hòa giải viên lao động ở cơ sở ngày càng được củng cố và hoạt động tích cực đã góp phần làm giảm rõ rệt các vụ đình công xảy ra, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Theo bà Ngô Thị Huệ, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương-Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hòa giải viên cơ sở là người được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm để hòa giải tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của pháp luật. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng của hòa giải viên lao động, đó phải là người am hiểu về pháp luật, có 3 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động. Đó là những người của cơ quan lao động địa phương cử, là người của tổ chức công đoàn cử, người của tổ chức khác hoặc cá nhân có nhu cầu tham gia hòa giải viên lao động…
Thực tế cho thấy, lợi ích của việc hòa giải cũng rất rõ. Các bên có quyền chủ động quyết định kết quả; giải pháp đưa ra đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên; giải quyết tận gốc vấn đề; các bên được cùng tham gia đưa ra giải pháp; cải thiện giao tiếp, cải thiện quan hệ… Bởi vậy, nhiều cá nhân, đơn vị đã quan tâm hơn đến vấn đề hòa giải cơ sở. Hiện, tỉnh ta đã hình thành được đội ngũ hòa giải viên lao động ở 8 huyện, thành phố với 55 hòa giải viên đang hoạt động.
Huyện Gia Viễn là địa phương có Khu công nghiệp Gián Khẩu đóng trên địa bàn với hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nhằm kịp thời hòa giải những mâu thuẫn phát sinh giữa những người lao động và chủ sử dụng lao động, huyện Gia Viễn đã xây dựng được đội ngũ hòa giải viên với 11 thành viên. Có chứng kiến một cuộc hòa giải mới thấu hiểu và cảm thông được sự nhọc nhằn của các hòa giải viên. Bà Nguyễn Thị Xuyên, hòa giải viên lao động của huyện Gia Viễn chia sẻ: Sau khi tiếp nhận vụ việc, hòa giải viên phải điều tra, xác minh, dự kiến phương án hòa giải, mời các đối tượng tham dự hòa giải…
Tất cả những điều đó không chỉ đòi hỏi hòa giải viên phải nắm vững kiến thức pháp luật, công tâm mà còn phải có nghệ thuật thuyết phục để các bên đồng ý hòa giải… Bên cạnh đó, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên bám sát, nắm tình hình ở địa bàn có thể kịp thời giải quyết các tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh. Để có được kiến thức vững và kỹ năng hòa giải, thời gian qua chúng tôi đã được tham gia vào các lớp tập huấn do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Ngoài được cung cấp kiến thức cơ bản về hoạt động của hội đồng hòa giải cơ sở và hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, lớp tập huấn nhằm cung cấp cho chúng tôi kỹ năng thu thập thông tin, hòa giải tranh chấp, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ công đoàn cơ sở bình ổn quan hệ lao động tại doanh nghiệp…
Nói về vai trò của đội ngũ hòa giải viên lao động ở cơ sở, bà Ngô Thị Huệ, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết thêm, trong năm năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ đình công không đúng trình tự quy định của pháp luật. Các vấn đề tranh chấp chưa được giải quyết theo đúng trình tự, thẩm quyền, đã làm ảnh hưởng đến quan hệ lao động, sản xuất của doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là phát huy hiệu quả của đội ngũ hòa giải viên lao động ở cơ sở nên các cuộc đình công đã được giải quyết kịp thời. Người lao động và chủ sử dụng lao động đã tìm được tiếng nói chung. Người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, do việc bố trí hòa giải viên không đồng đều giữa các huyện, thành phố khiến lực lượng này nơi thì không có việc để làm, nơi thì lại quá tải. Một điều bất cập khác là từ trước đến nay, việc bố trí hòa giải viên là cán bộ của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc cán bộ công đoàn đã làm cho đội ngũ hòa giải viên thiếu đa dạng và chưa phát huy hết hiệu quả. Thực tế, có sự e ngại, nhất là về phía người sử dụng lao động.
Họ sợ nếu hòa giải viên là cán bộ công đoàn thì sẽ bênh vực người lao động, nếu hòa giải viên là cán bộ lao động thì lại sợ bị xử lý hành chính nếu "tự khai" các sai phạm. Chưa kể, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động, do đó, các huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động.
Mặt khác, các hòa giải viên lao động còn thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp lao động, do đó gặp khó khăn khi hòa giải các vụ đình công trên địa bàn. Số vụ hòa giải lao động có sự tham gia của đội ngũ hòa giải viên vẫn còn rất ít so với thực tiễn…
Để đội ngũ hòa giải viên lao động ở cơ sở thực sự phát huy vai trò là "bà đỡ" trong việc giải quyết các tranh chấp lao động, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên lao động.
Thu Hằng