Tính đến tháng 6-2009, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 1.391 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 122/146 xã, phường, thị trấn, 8/8 huyện, thành phố, thị xã có đối tượng nghiện ma túy. Ma túy đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống con người, từ sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc gia đình đến an ninh trật tự và sự phát triển bền vững của đất nước.
Các ý kiến tham luận của đại diện một số sở, ban, ngành, địa phương tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ những tác hại nguy hiểm của ma túy đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng; kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cai nghiện ma túy và giúp đỡ các đối tượng sau cai tái hòa nhập với cộng đồng… Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và các loại tội phạm có liên quan đến ma túy.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã khẳng định: Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng đối với kết quả của việc phòng, chống ma túy. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Thực tế đã xây dựng được nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, như Đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm, Câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống ma túy, CLB "Vì ngày mai tươi sáng"…
Trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân; vận động các tầng lớp nhân dân chủ động phòng ngừa, đấu tranh bài trừ ma túy; làm tốt công tác tuyên truyền với cách thức đổi mới hơn, phong phú hơn, lựa chọn những nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, chú ý những đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người có tiền án, tiền sự, người nghèo, người không có việc làm, vùng sâu, vùng xa…
Các cơ quan thông tin đại chúng cần phối, kết hợp với các ngành chức năng phát hiện, tuyên truyền rộng rãi các gương điển hình, nhất là tuyên truyền nhân tố mới và các những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.
Thùy Phương