Là địa phương làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn lao động, tuy nhiên, mỗi năm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động, gây thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân. Qua điều tra các vụ tai nạn lao động cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc mất an toàn lao động là do một số đơn vị sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, phần lớn người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động. Nhằm khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện về vệ sinh an toàn lao động; tích cực phối hợp với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức, chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động… Đặc biệt, một hoạt động quan trọng, được triển khai thường xuyên là tổ chức các đợt thanh, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị có nguy cơ mất an toàn lao động.
Theo lãnh đạo Phòng thanh tra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện với sự phối hợp tích cực giữa các ngành chức năng. Việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng liên ngành, liên cơ quan được đẩy mạnh, qua đó nâng cao hiệu quả kiểm tra, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các đơn vị. Bên cạnh đó, các đoàn cũng tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý đối với những vị trí sản xuất không đảm bảo an toàn tại các đơn vị. Từ đầu năm tới nay, các sở, ban, ngành đã phối hợp thanh tra, kiểm tra các chuyên đề an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác mỏ, quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, an toàn điện, bảo vệ an toàn môi trường… ở các đơn vị có nguy cơ mất an toàn. Qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện hàng trăm vi phạm, trong đó chủ yếu là các lỗi như: không xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, không tổ chức huấn luyện an toàn-vệ sinh lao động, không tổ chức, hoặc tổ chức khám sức khỏe không đầy đủ cho người lao động, không tổ chức hoặc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp không đầy đủ cho người lao động, không tổ chức đo, kiểm định môi trường lao động hàng năm... Cùng với đó, Công an tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 500 cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị các cơ sở khắc phục thiếu sót. Công an tỉnh cũng đã tổ chức 97 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng cơ sở với 2.100 lượt người tham dự, tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chợ Rồng Ninh Bình.
Sau các đợt thanh tra, kiểm tra các đoàn đã tổng hợp, đánh giá, khái quát vấn đề để chấn chỉnh, nhắc nhở chung cho các cơ sở, đơn vị có cùng đặc điểm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rút kinh nghiệm chung theo chuyên đề. Các đoàn thanh, kiểm tra cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện các kiến nghị để nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, tập trung vào một số nội dung: thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; chấn chỉnh công tác quản lý, kỹ thuật an toàn… qua đó, các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đều nghiêm túc thực hiện các kiến nghị và có báo cáo kết quả việc thực hiện kiến nghị cho các cơ quan tham gia đoàn thanh, kiểm tra.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực song do đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu nên việc thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn lao động có tính chất phức tạp, liên quan đến cả kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ, nội dung thanh tra bao gồm cả thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách, vừa thanh tra mức độ an toàn của máy móc, thiết bị, công nghệ, đồng thời phải kiểm tra đánh giá điều kiện môi trường làm việc nên việc xử lý rất khó khăn… Thời gian tới, ngành chức năng có kế hoạch tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng hình thức thanh tra, kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của cán bộ quản lý, của người lao động trong việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động… Bên cạnh đó, nâng cao ý thức thường xuyên đánh giá, chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn, các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất cho các đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai phạm, đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì sản xuất ổn định của doanh nghiệp.
Nguyễn Hùng