Thông qua công tác tuyên truyền, giao lưu đối thoại trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, người lao động đã nắm được các chính sách, pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia quan hệ lao động. Người lao động cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm trong quá trình thực hiện Luật Lao động. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động cũng còn có nhiều mặt hạn chế đó là: việc tuyên truyền về Luật Lao động chưa thường xuyên, liên tục, do vậy các quy định của pháp luật về lao động chưa tới hết được người lao động và người sử dụng lao động. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về lao động còn hạn chế, kể cả về số lượng, chất lượng. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đông (theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp thì có khoảng 3.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đang thực sự hoạt động khoảng 1.700 doanh nghiệp với tổng số trên 88.000 lao động). Một số doanh nghiệp chưa tạo điều kiện để tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Lao động đến người lao động, một bộ phận người sử dụng lao động chưa chủ động tạo điều kiện cho người lao động tìm hiểu các quy định của pháp luật lao động, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Từ đó dẫn đến một số lượng khá lớn người lao động chưa am hiểu các quy định của pháp luật lao động dẫn đến tình trạng vi phạm các chế độ, chính sách đối với người lao động nên đã có việc tranh chấp lao động, đình công bất hợp pháp xảy ra. Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động còn hạn chế. Nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại trên là do tình hình kinh tế thế giới và trong nước những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp; người sử dụng lao động phải tập trung lo toan khắc phục những khó khăn của nền kinh tế để giữ vững sản xuất, kinh doanh nên ít quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động. Cùng với đó là trình độ nhận thức của người lao động phổ thông tại các doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến nhận thức về pháp luật lao động còn kém và ý thức chấp hành nội quy lao động không nghiêm túc.
Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã có kế hoạch tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật trong các doanh nghiệp. Thường xuyên cập nhật phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực chuyên môn để họ tiếp tục nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đề ra. Hướng tới đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền theo mô hình "chân rết", trong đó các chủ sử dụng lao động và cán bộ chính sách của doanh nghiệp sau khi tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến, pháp luật sẽ tổ chức tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp đến từng người lao động trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chế độ, chính sách đối với người lao động. Thường xuyên có sự phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các doanh nghiệp, hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật lao động, có chế tài xử lý nghiêm minh các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp thực hiện tốt. Tổ chức trao đổi nghiệp vụ và rút kinh nghiệm trong việc vận dụng các văn bản pháp luật mới khi giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hạn chế sai sót trong quá trình thực thi công vụ.
Trần Mạnh Dũng