Nhà văn hóa thôn Kiến ái, xã Ninh An (huyện Hoa Lư) những ngày qua luôn rộn ràng lời ca tiếng hát chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam của đội văn nghệ thôn. Vẫn là những cô, những chị nông dân chân chất nhưng lại khá chuyên nghiệp, say sưa trong từng làn điệu chèo, từng khúc hát ru. Ông Nguyễn Sỹ Tuệ là trưởng thôn Kiến ái và là người tâm huyết với hoạt động của đội văn nghệ thôn. Ông Tuệ bảo, ở đây chị em ít được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao sau những ngày làm việc vất vả của nhà nông. Bởi vậy, ngay khi Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, xã Ninh An có chủ trương thành lập đội văn nghệ ở các thôn. Riêng thôn Kiến ái đã thành lập CLB hát chèo, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi, ủng hộ. Đội văn nghệ có đủ mọi lứa tuổi, mỗi khi lên sân khấu, không còn vẻ bẽn lẽn, hồn hậu của người phụ nữ thôn quê mà các chị như hóa thân vào nhân vật, mềm mại trong điệu múa, lời hát… Với những lời ca tiếng hát do chính người dân biểu diễn đã nâng cao đời sống tinh thần cho bà con trong thôn Kiến ái, tạo động lực để nhân dân trong thôn vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Bà Vũ Thị Lý, phụ trách Phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có các tiêu chí về văn hóa là tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 về văn hóa. Cùng lúc phải thực hiện các tiêu chí vừa mang yếu tố vật chất, vừa mang yếu tố tinh thần, ngành Văn hóa và Thể thao đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh hưởng ứng.
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức khảo sát báo cáo đánh giá thực trạng quy hoạch, xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã và nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện để đạt chuẩn theo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Cùng với đó, chỉ đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện hướng dẫn xây dựng, duy trì hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở như: Đài truyền thanh, thư viện, phòng thông tin, các câu lạc bộ, trung tâm học tập cộng đồng, nhà tập luyện và thi đấu thể thao, sân tập ngoài trời ở cơ sở…
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 115/121 nhà văn hóa xã (đạt 95,04%), 121/121 khu thể thao xã; có 1.270/1.356 nhà văn hóa thôn (đạt 93,66%), 1.112/1.356 khu thể thao thôn (đạt 82,01%). Đến nay, đã có 97 xã đạt tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần thay đổi đời sống văn hóa ở nông thôn. Trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng ở mỗi khu dân cư, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nơi gắn kết bà con nhân dân với nhau, gắn kết cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, rèn luyện nâng cao sức khỏe của đông đảo người dân. Nhiều CLB nghệ thuật truyền thống được duy trì có hiệu quả như CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống Nhảy (thôn Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn). Các CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa sạp; cồng chiêng; hát đúm; sắc bùa; hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa… Hiện nay, toàn tỉnh có 700 tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo người xem và thường xuyên thu hút 52% người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà văn hóa.
Cùng với đó, các khu dân cư luôn quan tâm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của mỗi gia đình, mỗi người dân và nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, đã lồng ghép nhiệm vụ của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", "Gia đình 5 không, 3 sạch"; Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân hạnh phúc"; Hội Người cao tuổi có phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo"… Số hộ gia đình nông thôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa liên tục được nâng cao, năm 2018 đạt 86,82%. Số khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa tăng từ 68,25% năm 2011 lên 90,18% năm 2018. Kết quả này góp phần hoàn thiện tiêu chí số 16 về văn hóa. Cụ thể, đến hết 2015 có 58 xã và đến nay có 113 xã trong toàn tỉnh đạt tiêu chí 16 về văn hóa. Trên địa bàn tỉnh, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 29,3%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25,2%; có trên 600 câu lạc bộ TDTT cơ sở. Toàn tỉnh có 610 sân cầu lông (trong đó có 111 nhà tập cầu lông); 125 sân thể thao cơ bản, 445 sân bóng đá, 70 sân quần vợt.
Việc thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 6 và số 16, các địa phương trong tỉnh đã hướng tới việc xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Nhờ đó, số lượng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tăng hàng năm, từ 3/119 xã (đạt 2,5%) đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới vào năm 2013, đến năm 2018 có 90/118 xã (76,2%) đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là huyện Yên Khánh (năm 2018), huyện Hoa Lư (năm 2016), 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Tam Điệp (năm 2017). Sở Văn hóa và Thể thao đang tích cực hướng dẫn, kiến nghị huyện Gia Viễn hoàn thiện các hạng mục công trình và hồ sơ hoàn thiện tiêu chí văn hóa để về đích nông thôn mới năm 2020, huyện Yên Mô về đích trong năm 2021.
Đào Hằng