PHẤN ĐẤU GIỮ "CHUẨN"
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM có 19 tiêu chí, trong đó, có nhóm tiêu chí "cứng" như giao thông, thủy lợi, điện… thì chỉ cần Nhà nước hỗ trợ đầu tư nguồn vốn, kết hợp với đóng góp vật chất, công sức của nhân dân sẽ thực hiện được.
Khi đã hoàn thành, các tiêu chí này khá ổn định. Bên cạnh đó cũng có những tiêu chí dễ biến động như an ninh - trật tự xã hội, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, việc làm… đang khiến cho không ít các địa phương phải đau đầu bởi việc giữ vững các tiêu chí này khá khó khăn.
Cụ thể như tiêu chí về an ninh trật tự (ANTT), tiêu chí này yêu cầu trên địa bàn phải thực hiện tốt được việc phòng ngừa tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội (TNXH), không để xảy ra trọng án, không có tụ điểm truyền đạo trái phép, khiếu kiện kéo dài… Tuy nhiên, việc thực hiện không hề dễ dàng, trong xã chỉ cần xảy ra một vụ trọng án hay tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng như phát sinh TNXH thì sẽ không được công nhận.
Văn hóa cũng là tiêu chí dễ biến động bởi tiêu chuẩn của làng văn hóa (LVH) quy định, thôn, tổ dân phố không có người vi phạm pháp luật hay không có người sinh con thứ ba vượt quá quy định mới được công nhận, đồng thời xã có 70% LVH trở lên mới đạt tiêu chí này. Thế nhưng hiện nay, TNXH, tình trạng vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) không ngừng tăng ở nhiều xã.
Tiêu chí thu nhập, hộ nghèo... cũng khiến địa phương "thấp thỏm" khi giữ chuẩn bởi đa số các xã nông thôn hiện nay đều là những xã thuần nông, thu nhập của người dân phụ thuộc phần lớn vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đó thời tiết khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó lường, mất mùa rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó với phương thức sản xuất manh mún, chưa có sự liên kết trong việc tiêu thụ, giá cả thị trường bấp bênh thì mức thu nhập bình quân khó có thể đuổi kịp những điều chỉnh, thay đổi chuẩn theo từng năm như hiện nay.
Đơn cử như tại xã Gia Lập - một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Gia Viễn. Từ khi triển khai xây dựng NTM không thể phủ nhận diện mạo nông thôn ở đây đã có những thay đổi hết sức tích cực, giao thông đi lại thuận tiện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây mới khang trang, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, việc duy trì và nâng về chất thành quả NTM trên địa bàn xã là chuyện không hề dễ, bởi thực tế là sau 3 năm đạt chuẩn, khi rà soát, đối chiếu lại bộ tiêu chí Quốc gia ở giai đoạn mới, Gia Lập đã bị "rớt" một số tiêu chí.
Ông Nguyễn Trung Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lập cho hay: Chính quyền xã luôn xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục chứ không phải công nhận xong là kết thúc. Vì vậy, sau khi được công nhận, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao các tiêu chí.
Trong đó, đã huy động trên 63 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp thêm 0,7 km đường giao thông, nạo vét gần 24 nghìn mét khối kênh mương, kiên cố hóa 0,9 km kênh nội đồng, xây mới, nâng cấp 26 phòng học, xây dựng sân thể thao…
Tuy nhiên, với một số tiêu chí khác thì xã Gia Lập đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể như ở tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Là một xã có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế do gần các khu công nghiệp, hoạt động, dịch vụ ngành nghề cũng khá phát triển, hiện tỷ trọng nông nghiệp trên địa bàn chỉ chiếm 20%... thực tế thu nhập của người dân có tăng nhưng tăng chậm.
Theo bộ tiêu chí mới mà Chính phủ ban hành cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã chuẩn NTM đạt dưới 2%, mức thu nhập bình quân năm của người dân phải đạt 33 triệu đồng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) từ 85% trở lên. Thế nhưng, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2016 vẫn còn 2,36%, thu nhập bình quân ở mức 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 75,8%.
Không riêng gì xã Gia Lập mà qua trao đổi, nhiều địa phương đã được công nhận là xã chuẩn NTM thừa nhận rằng đang gặp thách thức không nhỏ trong việc giữ vững các tiêu chí đã đạt, nhất là những tiêu chí "mềm" như thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, an ninh trật tự, môi trường… Việc xây dựng NTM tại các xã sau giai đoạn đạt chuẩn cũng gặp khó khăn hơn, nhất là về nguồn vốn.
Bởi, sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ gần như không còn nên đa phần các xã phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ để thực hiện. Điều đáng nói là yêu cầu của tiêu chí NTM cũng sẽ cao hơn trước. Do đó, nguy cơ "rớt chuẩn" là rất cao.
Kết quả kiểm tra các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh đầu năm 2017 vừa qua của Đoàn kiểm tra UBND tỉnh cho thấy: Sau khi đạt chuẩn NTM các xã đều đã nỗ lực, tiếp tục huy động thêm nguồn lực để đầu tư hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tổng cộng 39 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015, trong 3 năm 2014-2016 đã huy động thêm được 1.154 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, xây mới sửa chữa trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, sân thể thao, nghĩa trang.
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên đầu tư chủ yếu vẫn tập trung để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, việc đầu tư để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân chưa được chú trọng đúng mức. Sản xuất chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, chưa liên kết theo chuỗi, nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa đạt như mong muốn. Thu nhập bình quân đầu người ở một số xã có tăng nhưng chưa đảm bảo theo lộ trình. Tỷ lệ hộ nghèo chưa đáp ứng theo chuẩn mới.
Cụ thể như tại Phú Lộc, huyện Nho Quan, một số tiêu chí của xã năm 2016 vẫn còn đạt thấp so với bộ tiêu chí Quốc gia như: tiêu chí thu nhập mới đạt 29,3 triệu đồng (quy định 33 triệu đồng), hộ nghèo 2,89% (quy định <2%), tỷ="" lệ="" người="" dân="" tham="" gia="" bhyt="" 75%="" (quy="" định="" 85%="" trở="" lên).="">
Tương tự như vậy ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn năm 2016 tiêu chí thu nhập chỉ đạt 27,5 triệu đồng, hộ nghèo lên tới 7,9%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 79%. Bên cạnh, đó hầu hết địa phương đều chưa xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động của các nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa - thể thao xã. Cảnh quan môi trường tuy có quan tâm nhưng không thực hiện thường xuyên…
ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG THÔN MỚI
Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016- 2020: Xã đạt chuẩn NTM vẫn bao gồm 5 nhóm, 19 tiêu chí nhưng so với bộ tiêu chí giai đoạn trước, số chỉ tiêu tăng từ 39 lên 49, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 phải đạt từ 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 2%... Trước yêu cầu mới này, Ninh Bình đang chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Xã nông thôn mới Khánh Thịnh (Yên Mô). Ảnh: Đức Lam
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Đến nay, Ninh Bình có huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM, thành phố Tam Điệp đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngoài ra, có 63/118 xã (chiếm gần 53% số xã) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 15,6.
Nhìn chung, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ.
Các chương trình, dự án được lồng ghép hợp lý tạo hiệu quả trong đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường, công trình văn hóa… Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đã đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ. ở một số địa phương, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt cao. Đáng nói, toàn tỉnh đã có huyện Yên Mô, thành phố Tam Điệp và 96 xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại theo hướng tập trung quy mô lớn.
Tuy vậy, những gì đạt được giai đoạn qua mới là bước đầu, một số tiêu chí chỉ tiệm cận các yêu cầu đặt ra, tính bền vững chưa cao như tiêu chí về môi trường, cảnh quan nông thôn. Việc sản xuất chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, chưa liên kết theo chuỗi, nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa đạt như mong muốn. Việc ứng dụng công nghệ cao còn dừng ở mô hình.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng thời gian qua giúp bộ mặt nông thôn thay đổi, nhưng hiệu quả sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Trường học đạt chuẩn quốc gia, nhưng việc thầy, cô giáo và các em học sinh biết khai thác cơ sở vật chất để dạy tốt hơn, học tốt hơn là điều còn phải cố gắng nhiều.
Việc triển khai xây dựng NTM ở Ninh Bình đang phải đối diện với một số tồn tại hạn chế và khó khăn như: Nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình còn ít, thủ tục đấu giá đất để huy động nguồn lực cho xây dựng NTM còn chậm; công tác DĐĐT một số nơi triển khai chậm, việc cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT chưa được triển khai.
Một số địa phương trong xây dựng NTM mới chủ yếu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc thực hiện tiết giảm đầu tư công ở một số địa phương chưa nghiêm. Nợ đọng còn lớn và vẫn tiếp tục phát sinh chưa có giải pháp để khắc phục một cách bền vững…
Hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu
Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 cho thấy yêu cầu chất lượng tiêu chí cao hơn. Cụ thể, tiêu chí môi trường tăng thêm 3 chỉ tiêu so với tiêu chí cũ gồm: Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh bảo đảm 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường; tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm... Việc tăng chỉ tiêu nhằm hướng đến mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho rằng: Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới, thời gian tới các huyện, thành phố và các xã phải tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai rốt ráo ở địa phương mình.
Đối với các xã đã đạt chuẩn có thể bổ sung thêm các tiêu chí mới, nhưng trước hết cần tập trung rà soát, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đã có. Nâng cao chất lượng tiêu chí bao gồm nâng mức đạt của các chỉ tiêu và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch để phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hướng đến tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Hoàn thiện hệ thống các công trình cùng các trang thiết bị phù hợp (hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, các loại nhạc cụ phù hợp...) phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã; xây dựng nội dung và tổ chức hoạt động thường xuyên.
Tổ chức thực hiện công tác duy tu, bảo trì các công trình, đảm bảo nâng cao hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Song song với đó, các địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng NTM ở những xã còn lại.
Được biết, Ninh Bình cũng sắp ban hành quy định tạm thời về tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (nâng cao) giai đoạn 2017-2020 để các xã đạt chuẩn nông thôn mới làm cơ sở để giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt; đảm bảo tính bền vững và thúc đẩy phong trào ở mức cao hơn.
Dự kiến sẽ có một số tiêu chí tiêu biểu như: Quy hoạch chung xây dựng xã phải đảm bảo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa của các xã ven đô và đảm bảo tiêu chí môi trường ở nông thôn.
Tiêu chí giao thông có thêm nội dung về biển báo giao thông, cống rãnh thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng. Về phát triển sản xuất có thể sẽ yêu cầu giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha canh tác phải tăng từ 15 triệu đồng/ha/năm…
Trước mắt, trong năm 2017, tỉnh sẽ tập trung thực hiện mô hình trồng cây xanh lấy gỗ, bóng mát, tạo cảnh quan môi trường tại 7 xã theo hướng NTM kiểu mẫu.
Hà Phương