Công tác truyền thông dân số - KHHGĐ được đẩy mạnh hàng năm qua 2 đợt truyền thông vận động, tư vấn, kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Đây được xem như các chiến dịch "truyền thống" của ngành nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông dân số và cũng là dịp để thực hiện chỉ tiêu trong công tác dân số của từng địa phương. Hàng năm, chiến dịch được tổ chức đợt 1 từ tháng 3-5 và đợt 2 tổ chức từ tháng 7-9. Qua các chiến dịch, tỉnh hoàn thành 80% trở lên chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số - KHHGĐ năm.
Đồng chí Trần Thị Lệ Dung, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Kim Sơn cho biết: Xác định công tác dân số-KHHGĐ là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng, căn cứ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn, Ban Chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ huyện tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và xây dựng, giao chỉ tiêu kế hoạch về công tác dân số-KHHGĐ từng năm cho các xã, thị trấn trong huyện. Việc triển khai tốt các hoạt động truyền thông vận động, tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ hàng năm là cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu về công tác dân số.
Trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Sở Y tế và Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở để tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông vận động, tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại các xã, thị trấn. Các đối tượng được cán bộ y tế, dân số trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, cấp phát tài liệu, tờ rơi, hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình; nâng cao nhận thức của chị em trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện tốt KHHGĐ, đảm bảo sức khỏe và thời gian để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, vận động số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh đủ số con nhưng chưa thực hiện một trong những biện pháp tránh thai hiện đại hưởng ứng, thực hiện. Trong năm 2017, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Kim Sơn đã tổ chức thành công 2 đợt hoạt động truyền thông vận động, tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại 27 xã, thị trấn. Kết quả thực hiện được qua hai đợt truyền thông đã tác động không nhỏ tới nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác dân số-KHHGĐ, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.
Theo đại diện Chi cục Dân số-KHHGĐ qua hoạt động truyền thông dân số đã huy động được đông đảo các lực lượng trong xã hội tích cực tham gia. Hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã đưa nội dung truyền thông dân số-KHHGĐ lồng ghép vào hoạt động của cơ quan, đơn vị. Các cơ quan thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến. Thông tin về dân số-KHHGĐ được đăng tải thường xuyên trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm dân số-KHHGĐ các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện việc sửa chữa, làm mới băng zôn, pa nô, khẩu hiệu; tổ chức các đợt truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ ở các xã đông dân, có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và vùng khó khăn, thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân địa phương...
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện được 4 mục tiêu, chỉ tiêu về nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; không kết hôn sớm và không kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong đó có 78% phụ nữ mang thai được nhận thông tin cơ bản và biết được lợi ích của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; 62% thanh niên kết hôn được nhận thông tin về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; 80% người chưa thành niên, thanh niên dân tộc miền núi nhận được thông tin về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; 55% người cao tuổi nhận được thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; 100% cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội các cấp và những người có uy tín trong cộng đồng hiểu đúng về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hồng Vân