Từ đó, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cơ quan, đoàn thể và người dân về phong trào, nhất là xây dựng đạo đức, lối sống của con người Việt Nam trong gia đình, làng xóm; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chính vì vậy, phong trào đã góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trong thời gian tới, để phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, bền vững, thiết thực và hiệu quả cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong đó trọng tâm là: Tiếp tục thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh như: Kế hoạch 63/KH-UBND ngày 5/6/2017 về triển khai thực hiện chương trình hành động số 23 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 17/10/2017, triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; Kế hoạch số 04/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 10/4/2019 về nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-BCS ngày 8/1/2019 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Để làm tốt được điều này, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, coi trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào. Tập trung tuyên truyền về vai trò, vị trí, ý nghĩa, nội dung các phong trào cụ thể. Biểu dương những tập thể, cá nhân, gương điển hình trong triển khai thực hiện phong trào, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đồng thời phê phán quyết liệt những biểu hiện tiêu cực trong đời sống văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cộng đồng.
Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nâng cao chất lượng phong trào gia đình văn hóa, làng, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Trong đó, tập trung hướng dẫn, tổ chức thực hiện đăng ký, đăng ký lại, bình xét, công nhận lại các danh hiệu văn hóa đối với gia đình, làng, thôn, bản, tổ dân phố; cơ quan, đơn vị doanh nghiệp; xã đạt chuẩn "văn hóa nông thôn mới"
Tiếp tục triển khai các hoạt động hướng đến xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm theo hiến pháp, pháp luật, xây dựng tác phong công nghiệp, có kỷ luật, thực hiện tốt quy ước cộng đồng, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Củng cố và hoàn thiện nâng cao hiệu quả hoạt động, công năng của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Phát triển phong trào thể thao quần chúng ở các địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, quan tâm đến văn hóa nghệ thuật truyền thống địa phương…
Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào cần làm tốt công tác tham mưu, phối kết hợp chặt chẽ theo chức năng nhiệm vụ của mình để thúc đẩy phong trào. Các địa phương trong tỉnh cần kiện toàn tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", hoàn thiện quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ và xây dựng cơ chế phối hợp của các cơ quan thành viên. Xây dựng kế hoạch cụ thể của từng địa phương gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...
Nguyễn Kim