Bác sỹ Trần Thị Mai Cúc, Phụ trách Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những năm trước đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai kỹ thuật nội soi nhưng chưa có kết hợp gây mê nên hiệu quả công tác chẩn đoán hình ảnh chưa cao, do gặp phải những phản ứng từ phía bệnh nhân khi gặp cảm giác khó chịu, đau đớn của người bệnh trong quá trình thực hiện kỹ thuật. Đến nay, nhờ kỹ thuật nội soi có gây mê, những cảm giác này không xuất hiện trong quá trình làm thủ thuật nội soi. Hầu hết bệnh nhân sau khi được điều trị đều cảm thấy hài lòng với dịch vụ mới này. Cụ thể như nội soi đại tràng, là kỹ thuật y học dùng để chẩn đoán hoặc can thiệp điều trị bệnh lý đại trực tràng, là phương pháp tin cậy nhất chẩn đoán polyp, ung thư đại tràng.
Để giúp người bệnh không sợ hãi, chất lượng chẩn đoán hình ảnh được đảm bảo, Khoa Thăm dò chức năng đã triển khai nội soi đại tràng có gây mê. "Khi sử dụng kỹ thuật nội soi gây mê, bệnh nhân không còn cảm giác sợ hãi và thời gian nội soi sẽ được kéo dài nên bác sĩ có thể quan sát kỹ được các tổn thương, chẩn đoán chính xác bệnh. Bên cạnh đó, thuốc mê có tác dụng làm giãn cơ trơn nên có thể làm thủ thuật nội soi dễ dàng hơn. Lượng thuốc gây mê đưa vào người ít nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Qua một thời gian thực hiện, nội soi gây mê đại tràng cho thấy rất hiệu quả, không chỉ giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh, kỹ thuật này còn tăng cường sự phối hợp giữa người bệnh và bác sĩ, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi và trẻ em được chỉ định làm nội soi." - bác sĩ Trần Thị Mai Cúc chia sẻ thêm.
Được biết, để thực hiện một ca kỹ thuật nội soi gây mê, mỗi kíp có từ 3-4 người. Trước khi tiến hành thủ thuật nội soi gây mê, để loại trừ những rủi ro, bệnh nhân đều được các y, bác sĩ tư vấn kỹ ưu điểm cũng như chống chỉ định, khuyến cáo với từng người. Theo đó, ngoài những chống chỉ định với những trường hợp nội soi thông thường như: suy tim, những bệnh nhân có thai, bệnh nhân sốt, già yếu…, nội soi gây mê còn chống chỉ định với những bệnh nhân mẫn cảm với các thành phần thuốc gây mê. Liều lượng của thuốc gây mê cũng tùy thuộc vào từng kỹ thuật được chỉ định và mỗi bệnh nhân. Đặc biệt, để có được kết quả nội soi chính xác, người bệnh phải nhịn ăn trước 6 giờ.
Cùng với kỹ thuật nội soi đại tràng có gây mê, thời gian qua, Khoa Thăm dò chức năng đã liên kết với một số Bệnh viện tuyến Trung ương thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc, triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới và đến nay đã phát triển thường quy được một số kỹ thuật mới như: Nội soi lấy sỏi ống mật chủ, tìm vi khuẩn HP bằng test; tiêm cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày hành tá tràng; kẹp clip cầm máu trong chảy máu tiêu hóa; cắt Polyp ống tiêu hóa qua nội soi; mổ thông dạ dày qua nội soi; lấy dị vật đường tiêu hóa thực quản, dạ dày; điện não đồ, điện cơ thần kinh, đo mật độ loãng xương.....
Hiện Khoa Thăm dò chức năng có 16 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng; trong đó, có 6 bác sĩ (4 bác sĩ CK I), 10 điều dưỡng. Để thuận lợi cho việc xác định bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trang bị cho Khoa 4 hệ thống máy soi ống mềm và các dụng cụ đi kèm, giúp bác sỹ điều khiển đa hướng, nhìn, nhận định, phân loại, cảm giác được mật độ tổn thương và có thể trực tiếp can thiệp vào tổn thương đó một cách rõ nét, kịp thời và nhanh chóng. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân, cao điểm có ngày lên tới 150 người. Mỗi tháng, Khoa Thăm dò chức năng thực hiện nội soi cho trên 2 nghìn ca; 1 năm, thực hiện nội soi cho trên 24 nghìn ca, trong đó chủ yếu là nội soi dạ dày, đại tràng... Tỷ lệ các ca bệnh thực hiện nội soi gây mê chiếm 35-40% và ngày càng được người bệnh lựa chọn bởi những ưu điểm của kỹ thuật mới này.
Với việc từng bước đưa vào triển khai thường quy các kỹ thuật khám bệnh chất lượng cao tại Khoa Thăm dò chức năng, không chỉ giúp bác sỹ rút ngắn được thời gian thăm khám bệnh, mà còn giúp bệnh nhân giảm thiểu đau đớn, tiết kiệm chi phí, đem đến sự hài lòng và tin tưởng cho người bệnh, hạn chế đáng kể tình trạng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.
Bài, ảnh: Hạnh Chi