Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu", ngành Y tế Ninh Bình đã không ngừng chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ thầy thuốc "Sáng về y đức, giỏi về y thuật", nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, nỗ lực đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần dân, góp phần giảm chi phí cho người bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Theo đó, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh đăng ký thực hiện các kỹ thuật mới trong năm, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật tại các đơn vị, tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất trong khám và điều trị cho người bệnh.
Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục hoàn thiện và củng cố các kỹ thuật đã triển khai, đưa vào áp dụng thường quy như: Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn; đo tải lượng virút viêm gan B, C; chụp và can thiệp hẹp động mạch cảnh, động mạch chi dưới; phẫu thuật thoát vị đĩa đệm; phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da, nội soi khớp gối; ghép thận tự thân, nội soi dạ dày và đại tràng trẻ em, phẫu thuật phaco, thực hiện nuôi thành công nhiều trẻ sơ sinh cân nặng dưới 1.000 gam...; đồng thời triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật thủ thuật ít xâm lấn trong ổ bụng, trong sản khoa, tiết niệu; sinh thiết các khối u trong cơ thể; thủ thuật xâm lấn mạch máu (can thiệp tim mạch); các can thiệp qua hệ thống chẩn đoán hình ảnh; phẫu thuật nội soi ngành xương khớp, cột sống; phẫu thuật ít xâm lấn trong tai - mũi - họng… Trong năm 2017, các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai thực hiện được trên 30 kỹ thuật mới, đạt 142% kế hoạch. Tiêu biểu như Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện được 16 kỹ thuật mới, Bệnh viện Sản Nhi thực hiện được 9 kỹ thuật mới..., từ đó chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng tăng, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên giảm. Năm 2017, toàn ngành đã khám, chữa bệnh cho trên 1 triệu lượt người, đạt 120% kế hoạch; số lần khám dự phòng là trên 400 nghìn lượt, đạt 95,4% kế hoạch; ngày điều trị trung bình nội trú đã giảm còn dưới 7 ngày…
Tại các bệnh viện tuyến huyện cũng đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật; trong đó có những kỹ thuật tuyến tỉnh đã được chuyển giao thành công, thực hiện tốt tại các bệnh viện tuyến huyện. Tiêu biểu như các kỹ thuật: Đặt cathethe tĩnh mạch dưới đòn, đặt nội khí quản thở máy, mổ đẻ lần 2, mổ kết hợp xương, mổ nội soi đường tiêu hóa, phẫu thuật khâu lỗ thủng dạ dày bằng phương pháp nội soi, điều trị các bệnh mãn tính bằng đông y... Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, để nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân, những năm qua, Bệnh viện đã tuyển dụng hàng chục bác sỹ và điều dưỡng, kỹ thuật viên, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ và kỹ thuật viên trong đơn vị. Đến nay, Bệnh viện có trên 150 cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế. Bệnh viện quan tâm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ. Năm qua có 2 bác sỹ được cử đi học định hướng chuyên khoa sản và gây mê, gần 50 lượt cán bộ tham gia học tập, tập huấn các lớp ngắn hạn nâng cao trình độ. Cùng với đó, phong trào phát huy sáng kiến, nghiên cứu khoa học và áp dụng các tiến bộ KHKT được triển khai rộng khắp tại các khoa, phòng, bộ phận, qua đó thu hút được nhiều cán bộ, y, bác sỹ tham gia thực hiện. Hàng năm có từ 12 -15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được Hội đồng Khoa học Bệnh viện đánh giá xếp loại tốt. Hiện Bệnh viện được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyên môn như: Máy xét nghiệm sinh hóa tự động A25, máy huyết học KX21, máy xét nghiệm nước tiểu… Từ đó, Bệnh viện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng như: Điện châm, thủy châm, theo dõi bệnh nhân bằng máy monitor, truyền máu hoàn hồi, mổ lấy thai lần thứ 2 trở lên, xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu, nước tiểu tự động, siêu âm tim, siêu âm Doppler, mổ thoát vị bẹn bằng phương pháp đặt lưới, mổ trĩ bằng phương pháp mới… được nhân dân trên địa bàn huyện Kim Sơn tin tưởng, hài lòng.
Để có được những kết quả đó, ngành Y tế đã tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sĩ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực nghiên cứu khoa học, tìm tòi, sáng tạo ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Hàng năm, ngành Y tế cũng bổ sung và đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị tại các trạm y tế với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; trên 73% số xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; trên 73% trạm y tế có bác sỹ làm việc… Hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã có đủ các thiết bị y tế cơ bản phục vụ cho khám, điều trị người bệnh ở tuyến cơ sở như các thiết bị cấp cứu thông thường, bộ dụng cụ khám chuyên khoa cơ bản về mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, sản khoa, các trang thiết bị để phòng chống nhiễm khuẩn như nồi hấp, tủ sấy dụng cụ.... Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cử nhiều lượt cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa cấp I, II. Đến nay, toàn ngành có 1 tiến sỹ, gần 100 thạc sỹ y khoa, bác sỹ chuyên khoa II và hơn 100 bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I. Ngành cũng tập trung xây dựng quy chế, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ 12 điều y đức trong đội ngũ cán bộ; tổ chức các hội nghị, hội thảo, các phong trào thi đua gắn với việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế trong công việc từ thái độ ứng xử, chăm sóc, cứu chữa người bệnh..., qua đó góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Mỹ Hạnh