Năm 2013 là năm đầu tiên các cấp Hội triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở" giai đoạn 2013-2017. Qua một năm thực hiện, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đầu tư nguồn lực ở các địa bàn khó khăn để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ cơ sở như: Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội, đổi mới hình thức, đa dạng nội dung sinh hoạt, đảm bảo tính thiết thực, tính giáo dục, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với việc đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng đem lại lợi ích thiết thực cho chị em, duy trì nền nếp sinh hoạt hội viên; đẩy mạnh hoạt động xây dựng quỹ hội với nhiều hình thức mới, hiệu quả.
Quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình tập hợp, thu hút hội viên phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ Hội cơ sở; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; thiết kế, in ấn, cấp phát và hướng dẫn ghi chép các loại sổ sách, tài liệu sinh hoạt hội viên tới 100% chi, tổ và cơ sở Hội; tổ chức thành công Hội thi "Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi năm 2013", đề xuất chính sách cho chi hội trưởng... Nhờ vậy, hoạt động của tổ chức Hội cơ sở trong năm qua đã đạt được kết quả rõ nét, thực sự là cầu nối giữa hội viên và tổ chức Hội.
Về tổ chức bộ máy, tổ chức Hội Phụ nữ cơ sở theo đơn vị hành chính được hình thành ở 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cơ sở còn được thành lập trong lực lượng vũ trang, trong doanh nghiệp, trong cơ quan chuyên trách Hội.
Năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chiếm 23,4%. Đại đa số cán bộ Hội cơ sở có kinh nghiệm trong công tác vận động phụ nữ, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, sâu sát cơ sở, có uy tín trong cộng đồng, trong giới phụ nữ, được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đánh giá cao.
Tỷ lệ thu hút hội viên ngày càng tăng lên. Năm 2013, tổng số hội viên là 158.843 người, tăng 1,15% so với 2012; 100% chi hội, cơ sở hội có quỹ, đơn vị cao nhất đạt 580 triệu đồng, đơn vị thấp nhất đạt 35 triệu đồng. Thực hiện thu, chi hội phí đúng quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động Hội cơ sở vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục. Đó là: Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động ở một số cơ sở Hội còn chậm, chưa xác định được vấn đề ưu tiên nên hoạt động dàn trải; công tác tham mưu với cấp ủy địa phương chưa chủ động; chất lượng sinh hoạt ở một số chi, tổ còn nặng về hình thức. Hội viên đa số là nông dân trong khi hiện nay do phụ nữ nông thôn thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp có xu hướng đi làm ăn xa ngày càng đông nên tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt ở một số chi hội còn thấp. Việc vận động, thu hút nữ thanh niên, nữ lao động trong các khu công nghiệp tham gia tổ chức Hội nhìn chung vẫn còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ Hội cơ sở do kiến thức, kỹ năng công tác hạn chế, nên việc triển khai, tổ chức các hoạt động của Hội còn mức độ. Việc quản lý hội viên tại một số cơ sở Hội còn thiếu thống nhất, chưa cập nhật được tình hình biến động hội viên.
Năm 2014, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định: "Nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở, phát huy tiềm năng của phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh" là chủ đề hoạt động của năm, là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. Để nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở, các cấp Hội tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội với những giải pháp cụ thể, trong đó quan tâm đến những giải pháp khắc phục các hạn chế trong hoạt động của tổ chức Hội cơ sở. Cụ thể là:
Đối với tổ chức Hội các cấp, cần đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội: Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong việc xây dựng kế hoạch đảm bảo tính thiết thực và khả thi, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, chọn vấn đề ưu tiên. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội theo hướng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực phát hiện vấn đề, bồi dưỡng kỹ năng đề xuất tham mưu, kỹ năng hoạt động cộng đồng, học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình hiệu quả. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Điều lệ Hội và đánh giá các mô hình hoạt động có hiệu quả để rút kinh nghiệm nhân ra diện. Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, thống kê, thông tin, báo cáo. Cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ phụ nữ thông qua việc biên soạn tài liệu sinh hoạt phù hợp cho từng đối tượng, đa dạng các hình thức sinh hoạt hội viên như tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, thảo luận nhóm, diễn đàn, tổ chức thăm quan, trao đổi kinh nghiệm… để khắc phục tình trạng thông tin một chiều, nghèo nàn về nội dung và đơn điệu về hình thức hiện nay. Đồng thời, tăng cường khai thác nguồn lực xây dựng các mô hình hoạt động tại chi hội. Xây dựng các mô hình mới song song với củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động của các mô hình tập hợp, thu hút hội viên có hiệu quả nhằm thu hút phụ nữ trong các doanh nghiệp, nữ thanh niên tham gia các hoạt động của Hội.
Đối với cán bộ Hội, cần tích cực phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Hội: "Trung thành, vị tha, tận tụy, thủy chung", chủ động học tập nâng cao trình độ, kiến thức bằng các hình thức phù hợp, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do cấp trên tổ chức, tăng cường hình thức tự học qua thực tế công tác Hội. Chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra; xây dựng kế hoạch hoạt động và phối hợp triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội. Cán bộ Hội cơ sở đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu "Cán bộ Hội cơ sở giỏi".
Đối với hội viên phụ nữ, phấn đấu thực hiện các tiêu chí người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH: "Yêu nước, có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu" và 4 phẩm chất đạo đức: "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"; đăng ký và thực hiện đạt tiêu chuẩn phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ các cấp và địa phương tổ chức, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.
Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở có vai trò quan trọng, tạo điều kiện để Hội Phụ nữ cấp cơ sở thực sự là nền tảng của tổ chức Hội, góp phần củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Vũ Thị Thanh
TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh