Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thành, thị trong tỉnh được kiện toàn, củng cố về tổ chức và hoạt động tạo điều kiện để triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các nội dung và phương pháp tuyên truyền ngày càng đổi mới, phong phú, đa dạng như: Mô hình "tủ sách pháp luật" ở Nhà văn hóa thôn, các chuyên trang, chuyên mục phổ biến pháp luật trên Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh, bản tin nội bộ của các ngành, hệ thống truyền thanh 3 cấp…
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã hướng mạnh về cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào có đạo, người dân tộc. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn một số hạn chế, trong đó vấn đề đáng quan tâm hiện nay là chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật còn nhiều bất cập. Toàn tỉnh hiện có 33 báo cáo viên cấp tỉnh, 156 báo cáo viên cấp huyện, 850 tuyên truyền viên cấp xã và 198 báo cáo viên tư tưởng văn hóa cũng thường xuyên tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hiện nay hầu hết là kiêm nhiệm, đồng thời chưa được tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật thường xuyên nên ít có thời gian tập trung cho công tác tuyên truyền. Mặt khác, ở một số ngành, do chưa có cán bộ chuyên trách nên một số cán bộ được phân công làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa chủ động triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, đến nay 100% các khu phố, bản, làng, thôn, xóm trong tỉnh đã có tổ hòa giải và đi vào hoạt động có nề nếp. Những thành viên trong tổ hòa giải ở thôn, xóm là lực lượng nòng cốt ở cơ sở trong việc đưa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân.
Tuy vậy, hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoàn toàn là tự nguyện, chưa được hưởng chế độ thù lao. Diễn biến các mâu thuẫn xã hội phát sinh đa dạng và phức tạp đòi hỏi người làm công tác hòa giải không chỉ có tâm huyết, đạo đức và uy tín mà còn phải nắm vững pháp luật, nghiệp vụ hòa giải.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tỉnh, các cấp, các ngành và mỗi đơn vị cần củng cố, phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiện toàn đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, cán bộ pháp chế, cán bộ công chức các cơ quan thực thi pháp luật. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho các báo cáo viên, giáo viên giảng dạy pháp luật, đạo đức, giáo dục công dân trong các nhà trường và đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật. Tổ chức các cuộc thi báo cáo viên pháp luật, giáo dục công dân, đạo đức nhằm khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ này và cán bộ, công chức thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, nhất là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư bởi họ là những người bám sát cơ sở, thường xuyên tiếp xúc với người dân nên có khả năng đưa pháp luật đến nhân dân nhanh và hiệu quả.
Phương Nguyên