Tại Ninh Bình, được sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các tổ chức quốc tế, sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân địa phương, việc thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả của chương trình trong những năm qua đã đóng góp lớn vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Sau 10 năm thực hiệnChương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT), tổng số dân cư nông thôn của tỉnh được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 550.361 người, đạt trên 70%, trong đó số dân được sử dụng từ công trình cấp nước tập trung là 26%, tăng 2,84% so với năm 2007, số dân sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khơi, giếng khoan, bể nước mưa...) là 45,14%.
Các công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho 87.883 hộ dân nông thôn, các công trình này đang được xây dựng theo thể thống nhất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 62 công trình cấp nước sạch tập trung, đưa vào khai thác sử dụng 58 công trình, cấp nước sinh hoạt cho 201.541 người dân. Trong đó huyện Hoa Lư có số dân nông thôn được sử dụng nước sạch của hệ thống cấp nước tập trung là 51,16 %, huyện Nho Quan 26,04%, huyện Gia Viễn 48,85%, huyện Yên Khánh 5,05%, huyện Kim Sơn 9,48%, huyện Yên Mô 28,63%, TP Ninh Bình 22,08%, thị xã Tam Điệp 58,59%.
Hiện nay, các trạm cấp nước tập trung trong tỉnh đều do các địa phương quản lý, điều hành theo các phương thức quản lý khác nhau: 2 công trình theo loại hình HTX quản lý, 5 công trình theo loại hình doanh nghiệp, 51 công trình do UBND xã trực tiếp quản lý và tự hạch toán. Các công trình được vận hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng nước sinh hoạt cho nhân dân.
Nhìn chung, các trạm cấp nước đều quản lý, vận hành tốt, tuy nhiên vẫn còn một số trạm được UBND xã trực tiếp điều hành theo hình thức khoán, quản lý không rõ ràng nên hiệu quả của các công trình thấp. Do chưa có một quy chế vận hành thống nhất của các trạm bơm nên mỗi trạm thực hiện riêng lẻ làm ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng nước sinh hoạt.
Trong hai năm tới, Ninh Bình phấn đấu xây dựng được 20-25 công trình cấp nước tập trung với quy mô toàn xã và 10 trạm cấp nước tập trung quy mô thôn bản theo chương trình 134 của Thủ tướng Chính phủ; sửa chữa và nâng cấp 10 -15 trạm cấp nước tập trung... Phấn đấu toàn tỉnh có 80% dân cư nông thôn được dùng nước sạch, trong đó 50% từ công trình cấp nước tập trung, 70% số hộ có hố xí hợp vệ sinh.
Để nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sạch nông thôn, cũng như nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, tỉnh tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cấp chính quyền, đoàn thể, thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền về sử dụng nước sạch cho người dân, đặc biệt là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý, phát huy tối đa hiệu quả các trạm cấp nước. Cần có một quy chế về quản lý, vận hành chung cho các trạm cấp nước trong tỉnh, có chính sách về đảm bảo chất lượng nước, quy định cụ thể giá sản xuất và giá bán nước.
Nhu cầu sử dụng nước sạch ở địa bàn nông thôn của tỉnh còn rất lớn, do đó cần tranh thủ nguồn vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế để ưu tiên các chương trình nước sạch nông thôn vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Hương Giang