Những vấn đề chất vấn được đặt ra từ thực tiễn, liên quan đến lợi ích của nhân dân và được các cơ quan chức năng xem xét, trả lời một cách hợp lý, thỏa đáng đã góp phần tích cực giải quyết những vướng mắc, tồn tại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trong những năm qua, tại tỉnh Ninh Bình hoạt động chất vấn của HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới. Chất lượng các phiên họp chất vấn từng bước được nâng lên và dần khắc phục được tính hình thức. Điều này được thể hiện khá rõ tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XII vừa qua, trong phiên chất vấn đã có 10 câu hỏi về những vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, chính sách xã hội được đặt ra như: Tình trạng ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông trên đoạn Quốc lộ 1A từ thị xã Tam Điệp đến thành phố Ninh Bình; việc chậm thanh quyết toán các công trình xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước; việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp; việc cấp thẻ BHYT đối với người có công và các đối tượng là hộ cận nghèo; các biện pháp bình ổn giá thị trường dịp cuối năm; việc quản lý thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản... Đã có 6 đại biểu "đăng đàn" trả lời chất vấn, nhiều vấn đề đã được làm rõ và được người có thẩm quyền nhận trách nhiệm, đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của kỳ họp.
Tuy nhiên, qua theo dõi các phiên chất vấn của HĐND cho thấy: Số lượng đại biểu tham gia chất vấn chưa nhiều; một số câu hỏi chất vấn còn chung chung, chưa tập trung vào những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. Việc trả lời chất vấn của một số cơ quan chuyên môn nhiều chưa đi thẳng vào nội dung chất vấn, còn "dài dòng", khiến người nghe có cảm giác người trả lời chất vấn đang "thuyết trình" nhiều hơn là trả lời… Để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, thiết nghĩ, trước hết thuộc về trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND các cấp. Bởi thông qua chất vấn, người đại biểu HĐND thể hiện năng lực, bản lĩnh chính trị và thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện của đại biểu mà pháp luật đã quy định. Điều này cũng đồng nghĩa đại biểu phải thực sự hiểu vấn đề chất vấn, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Trên cơ sở đó đặt ra các câu hỏi chất vấn rõ ràng, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề cần hỏi. Người trả lời chất vấn cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, tiếp thu để chỉ ra lĩnh vực nào thuộc về trách nhiệm của cá nhân, lĩnh vực nào thuộc về tập thể cơ quan, tổ chức có liên quan và nội dung chất vấn đó có thể giải quyết tại kỳ họp, hay cần phải có thời gian để giải quyết. Một phiên chất vấn thực sự hiệu quả khi cả người chất vấn và trả lời chất vấn đều nhìn nhận vấn đề trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung để cử tri thêm tin tưởng vào năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự giám sát của các cơ quan chức năng cũng như năng lực của người đại biểu HĐND.
Đức Nghĩa