Bác sĩ Ngô Thị Hồng, Trưởng khoa quản lý điều trị, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, cũng như giảm thiểu kỳ thị phân biệt đối sử của xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, những năm qua, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ca mắc mới; tiếp thêm niềm tin để người nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng...
Theo đó, Ngành Y tế tỉnh đã kiện toàn, củng cố và mở rộng các điểm cấp thuốc đến tận xã, phường; đồng thời tăng cường năng lực cho các cán bộ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tuyến, bảo đảm cơ sở vật chất, cung cấp vật tư và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên rà soát, tư vấn, vận động để họ tự nguyện làm xét nghiệm phát hiện HIV sớm, vận động người nghiện chích ma túy tham gia điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và người nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV sớm.
Tính đến ngày 31/7/2018, số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 2.553 người; trong đó đã điều trị ARV là 1.053 (1.053/2.553), đạt 41% (chưa bao gồm bệnh nhân trong Trại giam Ninh Khánh), ngoài cộng đồng là 1.391 người. Số bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT là 971 người, chưa có thẻ là 82 người, đạt 92%.
Bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú tới thời điểm này vẫn đang được Dự án quỹ toàn cầu cung cấp thuốc kháng vi rút ARV, thuốc dự phòng NTCH Cotrimoxazol, xét nghiệm tải lượng vi rút HIV, xét nghiệm tế bào CD4, còn những xét nghiệm cơ bản và thuốc hỗ trợ khác thanh toán qua nguồn BHYT. Ngày 28 tháng 12 năm 2016 UBND tỉnh Ninh Bình có Kế hoạch số 111/KH-UBND hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT cho tất cả người nhiễm HIV/AIDS (đang điều trị ARV và chưa điều trị ARV) có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình.
Để từng bước nâng cao chất lượng, dịch vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, để người nhiễm HIV/AIDDS được tiếp cận với các cơ sở điều trị thuận tiện trên địa bàn tỉnh hiện tại đã có 9 cơ sở điều trị (PKNT) HIV/AIDS cho người bệnh. Trong đó có 1 Phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất, đặt tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh; 8 phòng khám ngoại trú đặt tại tuyến huyện, thành phố. Trong đó 2 Bệnh viện đa khoa Kim Sơn và Nho Quan, 6 Trung tâm y tế huyện, thành phố 2 chức năng.
Tất cả các phòng khám ngoại trú đến nay đều đã thực hiện thanh toán qua BHYT các dịch vụ liên quan HIV/AIDS cho người bệnh, hoàn thành xong thủ tục ký hợp đồng KCB cho người bệnh, ngoài các PKNT trong tỉnh còn có 2 điểm cấp thuốc ARV tại Trại giam Ninh Khánh, Cơ sở cai nghiện ma túy (TT06) và 17 điểm cấp thuốc ARV tại các xã phường, trong đó huyện Kim Sơn có 10 điểm, huyện Nho Quan có 5 điểm và huyện Hoa Lư là 2 điểm.
Mặc dù tình hình lây nhiễm HIV đang từng bước được kiểm soát và dần đẩy lùi, nhưng hiện công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là: Thuốc kháng virút (ARV) và chi phí xét nghiệm cho người nhiễm HIV không còn được cấp phát miễn phí, mà chuyển qua thanh toán thông qua BHYT, do các nguồn viện trợ bị cắt giảm, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chưa sẵn sàng đăng ký để được hỗ trợ mua, cấp thẻ BHYT miễn phí theo KH 111-KH/UBND vì sợ lộ danh tính mặc dù đã được tư vấn về lợi ích của việc tham gia BHYT. Khi thuốc ARV thanh toán BHYT nhiều bệnh nhân sẽ khó khăn trong việc đi lĩnh thuốc theo qui định do phải đi làm kinh tế xa nhà sẽ ảnh hưởng tuân thủ điều và vấn đề kháng thuốc có thể xảy ra.
Cùng với đó, số người nhiễm HIV ngoài cộng đồng chưa tham gia điều trị còn cao do mặc cảm về sự kỳ thị của xã hội. Điều này đồng nghĩa với họ không được tiếp cận điều trị ARV sớm, là mối nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng cao do không điều trị để kiểm soát lượng virus HIV trong cơ thể. Hơn nữa, các y bác sỹ, chuyên trách HIV/AIDS các huyện đã được tập huấn về điều trị ARV thay đổi liên tục, những người mới chưa được tập huấn chuyên môn thiếu kinh nghiệm trong việc tư vấn và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Đồng thời việc phối hợp chuyển gửi, kết nối, quản lý người nhiễm HIV, giám sát, báo cáo số liệu giữa các đơn vị chưa thực sự đồng bộ. Sự chỉ đạo của một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện, giám sát, điều tra số bệnh nhân ngoài cộng đồng…
Trước những khó khăn trên, để người nhiễm HIV/AIDS được quan tâm chăm sóc, điều trị, sống khỏe mạnh, tự tin, hòa nhập cộng đồng, ngành Y tế và các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa về chuyên môn tập huấn nâng cao và chuyên sâu cho các cán bộ tham gia công tác điều trị HIV/AIDS tại các phòng khám trên địa bàn tỉnh. Tăng cường truyền thông dưới mọi hình thức: như phát thanh, truyền hình, băng rôn, áp phích, băng đĩa… ưu tiên quan tâm đến đối tượng đồng đẳng viên - bởi chính họ là những tuyên truyền viên đắc lực, để có những thông tin, chia sẻ tới những người đồng cảnh ngộ sự lạc quan, sống lành mạnh và sống có ý nghĩa hơn giúp mọi người có những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Quan tâm tổ chức nhiều hơn những buổi truyền thông lưu động đến tận thôn xóm, ngõ ngách trên địa bàn tỉnh và những buổi nói chuyện chuyên đề tại các thôn, xóm… từ đó góp phần giúp người nhiễm HIV tự tin sinh hoạt cộng đồng, tránh cái nhìn cực đoan về cuộc sống, có thêm động lực để đấu tranh, đẩy lùi bệnh tật. Tăng cường điều tra tiếp cận tư vấn người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng đưa vào điều trị ARV sớm, hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu 90-90-90.
Hơn nữa, điều trị ARV là liên tục và suốt đời để tránh tình trạng kháng thuốc, các bác sỹ và những cán bộ điều trị cần thường xuyên, tăng cường tư vấn tuân thủ điều trị liên tục để bệnh nhân hiểu rõ được lợi ích khi tuân thủ điều trị tốt. Thực hiện đúng quy trình điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Triển khai mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động, phối hợp với các tổ chức cộng đồng tư vấn và chuyển gửi người có nguy cơ lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV...
Hiện tỉnh Ninh Bình đã thực hiện gần 2 năm việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình để bệnh nhân được hưởng các dịch vụ của thẻ BHYT. Đó không chỉ niềm vui mà còn là điểm tựa vững chắc đối với những người nghèo không may mắc phải căn bệnh HIV/AIDS có cơ hội tiếp tục được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, duy trì cuộc sống khỏe mạnh cho mình.
Đó cũng chính là cơ sở để tỉnh ta phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90, đến năm 2020, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV và 90% người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Đây là những mục tiêu cần thiết và quan trọng hướng đến mục đích nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của người nhiễm HIV và hướng tới mục tiêu chung kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Mỹ Hạnh