Khách sạn Hoàng Sơn, đi vào hoạt động từ năm 2010, qua 2 năm hoạt động đã nhanh chóng trở thành một trong những cơ sở lưu trú lớn nhất của Ninh Bình được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến. Mỗi năm khách sạn đón trên 10.000 lượt du khách. Ông Hoàng Văn Sựng, giám đốc khách sạn cho biết: Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có sự quan tâm đầu tư rất lớn cho du lịch, nhiều các điểm du lịch Ninh Bình xứng tầm quốc tế thu hút được một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sự phát triển của các cơ sở lưu trú khoảng 5 năm trước đây còn rất hạn chế chưa xứng tầm với quy hoạch của du lịch tỉnh nhà. Nhận thấy cơ hội này nên công ty Hoàng Sơn đã chuyển hướng kinh doanh, đầu tư xây dựng một khách sạn 4 sao ngay tại trung tâm thành phố với quy mô 15.000 m2, với 105 phòng và các tổ hợp dịch vụ ăn, nghỉ, hội họp, bể bơi, sân tennis…
Hiện khách sạn đang có 115 nhân viên được đào tạo cơ bản, trong đó có 60% đạt chuẩn từ cao đẳng, đại học trở lên. Bên cạnh đó, hàng năm khách sạn đã ký kết với một số khách sạn lớn trong thành phố Hồ Chí Minh để đưa nhân viên vào đó đào tạo, bồi dưỡng thêm những kiến thức mới và dần tiến đến việc chuyên nghiệp hóa trong phục vụ, tương xứng với tiêu chuẩn khách sạn 4 sao.
Bên cạnh khách sạn Hoàng Sơn, hiện nay Ninh Bình có nhiều khách sạn lớn từ 3-5 sao như: Khách sạn Yến Nhi, Legent Thùy Anh, Khu du lịch cao cấp Anmandara; Cúc Phương resort; The Visai…có thể đáp ứng yêu cầu của du khách, nhất là trong lĩnh vực lưu trú.
Những khách sạn lớn, có quy mô và chuyên nghiệp ở Ninh Bình không ít nhưng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của du khách. Theo thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, toàn tỉnh có 272 cơ sở lưu trú. Trong đó có 8 khách sạn 1 sao; 23 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 4 sao với tổng số 41.141buồng và gần 5.000 nhà hàng, dịch vụ ăn uống đã đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó chưa kể đến một số lượng không nhỏ của các nhà nghỉ và hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ chưa có đăng ký. Tuy vậy, vào những dịp mà nhu cầu phục vụ tăng cao như lễ tết, mùa du lịch…, tình trạng "cháy" phòng và không có nơi ăn, nghỉ vẫn thường xảy ra. Đây cũng chính là dịp để một số nhà hàng, khách sạn tăng giá bất thường. Có khách sạn nâng giá lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu du lịch Ninh Bình.
Chị Nguyễn Thị Hồng (Hà Tĩnh) cho biết: Tôi đã đến Ninh Bình 2 lần. So với năm 2000 du lịch Ninh Bình đã phát triển rất mạnh mẽ. Mặc dù vậy du lịch Ninh Bình, đặc biệt là dịch vụ du lịch vẫn chưa hoàn thiện, tính chuyên nghiệp chưa cao nếu không muốn nói là còn rất hạn chế.
Việc ép giá ở nhà nghỉ, hàng ăn vẫn thường xuyên xảy ra làm cho du khách rất phiền lòng. Đơn cử tối hôm trước đoàn chúng tôi nghỉ tại một khách sạn của Thành phố Ninh Bình. Bảng giá của khách sạn ghi 250.000 đồng phòng, thế nhưng hôm sau nhân viên tính tiền cho chúng tôi là 350.000 đồng/phòng. Họ giải thích đó là giá của ngày thường còn vào ngày cuối tuần thì giá đắt hơn 100.000 đồng cho mỗi loại dịch vụ.
Ngoài việc ép giá, qua tìm hiểu được biết, hiện tượng quá tải các cơ sở lưu trú vẫn tái diễn trong các mùa du lịch khoảng 3 năm trở lại đây. Ông Phạm Xuân Mược, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, Giám đốc khách sạn Tre Việt cho biết: Những năm gần đây lượng khách du lịch về Ninh Bình tăng cao, đặc biệt là vào các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần. Do đó công xuất sử dụng phòng trong những ngày này luôn đạt ở mức 90-100%.
Tuy nhiên hiện tại ở Ninh Bình chủ yếu là khách sạn nhỏ quy mô dưới 20 phòng vì vậy nhiều khách sạn, nhà nghỉ nhưng vẫn thiếu phòng để phục vụ. Điều này dẫn đến việc các khách sạn, nhà hàng làm ăn theo kiểu chộp dựt, tự ý tăng giá. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú đang là một vấn đề rất cần các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ doanh nghiệp phải quan tâm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch Sở VH,TT&DL cho biết: Năm 1992, cả tỉnh mới có 2 khách sạn; 3 năm trở lại đây các cơ sở lưu trú ở Ninh Bình đã tăng nhiều cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng phục vụ.
Tuy nhiên trên thực tế hệ thống cơ sở lưu trú chủ của tỉnh hiện nay chủ yếu là của các hộ tư nhân, nên năng lực về chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, quy mô kinh doanh nhỏ, trang thiết bị mới đạt ở mức tối thiểu.
Các cơ sở này chủ yếu đáp ứng nhu cầu nghỉ tạm, chưa có nhiều dịch vụ ăn uống cũng như loại hình dịch vụ khác, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, lễ tân còn thiếu và yếu về chuyên môn nên một phần chưa đáp ứng được nhu cầu của khách.
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn nhà hàng còn thụ động về nguồn khách tự đến, các chương trình quảng bá, khuyến mại, giảm giá, hay các món ăn vẫn chưa thực sự thuyết phục. Đa số các cơ sở lưu trú du lịch chưa có dịch vụ ăn uống, cũng như các dịch vụ khác đi kèm.
Các cơ sở lưu trú du lịch có thứ hạng cao mới chỉ "đếm trên đầu ngón tay" do đó tình trạng thiếu buồng phòng có chất lượng cao vào mùa du lịch cao điểm thường xuyên xảy ra.
Mặc dù từ năm 1994, Tổng cục Du lịch đã ban hành nhiều quy định tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn du lịch nhưng đến nay, những quy định này đã không còn phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú cũng có những quy định riêng về tiêu chuẩn chất lượng để áp dụng quản lý. Do đó chất lượng của các cơ sở lưu trú không đồng đều và rất khó quản lý. Ông Phong kiến nghị: Trước thực tế trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải sớm ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch thống nhất trong cả nước để từ đó có các địa phương có nhận định và định hướng đầu tư phát triển hệ thống lưu trú du lịch nhằm đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh lưu trú du lịch.
Đây cũng là căn cứ để ngành tiến hành kiểm tra chất lượng các cơ sở du lịch, đôn đốc nhắc nhở các cơ sở đảm bảo chất lượng phục vụ tương xứng với xếp hạng được công nhận và hướng các cơ sở lưu trú du lịch cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng phục vụ.
Để khắc phục tình trạng phát triển ồ ạt của các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ không đúng với định hướng của tỉnh và nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú trong tỉnh, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã yêu cầu các cơ sở lưu trú sau khi đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động 15 ngày phải đến đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch để được hướng dẫn việc kinh doanh theo loại, hạng và hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối với Hiệp hội doanh nghiệp, trong thời gian tới hiệp hội cũng đã dự kiến mở lớp đào tạo "nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng- khách sạn" trong đó tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. - Ông Phạm Xuân Mược cũng cho biết thêm.
Thiết nghĩ, để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có mà thiên nhiên ban tặng, nhằm phấn đấu đưa ngành Du lịch của tỉnh trở thành nền kinh tế mũi nhọn, cần sự quan tâm từ các cấp, các ngành và các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và ngày càng hoàn thiện hơn nữa các cơ sở lưu trú du lịch, để tạo sự hấp dẫn với du khách gần xa.
Trong tương lai, với lòng mến khách của con người Ninh Bình, du lịch tỉnh ta sẽ có những bước đột phá mới, do đó rất cần sự đầu tư đúng mức vào các cơ sở hạ tầng, sự độc đáo, phong cách riêng của các cơ sở lưu trú, sự hấp dẫn của ẩm thực quê hương. Đây sẽ là nền móng cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm